Những tinh hoa vũ khí Nhật Bản
Những sản phẩm “made in Japan” luôn nổi tiếng thế giới về chất lượng, vũ khí do Nhật Bản sản xuất cũng không phải là ngoại lệ.

Type-90 biểu tượng uy lực của Lục quân Nhật Bản

Không được quảng cáo một cách rầm rộ như T-72, T-80, T-90 của Nga, M1A1/A2 của Mỹ hay Leopard-2A của Đức. Song Type-90 vẫn là một trong những mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực hàng đầu của thế giới.

Type-90 có thiết kế ảnh hưởng từ Leopard-2A6 của Đức và sử dụng chung pháo chính Rheinmetall-120mm, theo giấy phép sản xuất từ Đức.


Type-90 được nạp đạn tự động với cơ số 35 viên. Ngoài ra, xe tăng còn có súng phòng không M2HB 12,7mm, súng máy đồng trục 7,62mm.

Type-90 niềm tự hào của tăng thiết giáp Nhật Bản.

Type-90 có lớp giáp bảo vệ tương tự như Leopard-2A nhưng không có giáp dốc 2 bên tháp pháo. Type-90 sử dụng giáp module kết hợp gốm, thép  và composite. Thiết kế này cho phép dễ dàng nâng cấp, trao đổi các loại giáp.

Giáp mặt trước của Type-90 có khả năng chống lại đạn APFSDS 120mm, giáp 2 bên tháp pháo có khả năng chống đạn APDS 35mm ở khoảng cách 1000 mét.


Type-90 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại, máy tính đường đạn kỹ thuật số, hệ thống ổn định pháo chính tự động, máy đo xa laser, hệ thống chỉ thị mục tiêu và quan sát ảnh nhiệt tự động cho pháo thủ và chỉ huy.


Các hệ thống điện tử và vũ khí cung cấp phạm vi tác chiến hiệu quả từ 300-5.000 mét. Type-90 là một trong những xe tăng hiện đại trang bị hệ thống nạp đạn tự động, cho phép giảm tổ lái xuống còn 3 người.


Type-90 được trang bị động cơ Mitsubishi 10ZG32WT 10 xy lanh, công suất lên đến 1.500 mã lực, tốc độ tối đa đạt 70km/giờ. Điểm hạn chế của Type-90 là tầm hoạt động tương đối ngắn, chỉ khoảng 350km.


Tiêm kích Mitsubishi F-2

Do chịu sức ép từ Mỹ, Nhật Bản phải mua giấy phép để sản xuất lại tiêm kích F-16 với tên gọi Mitsubishi F-2.


F-2 là kết quả của sự hợp tác giữa tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries và Lockheed Martin, công việc được phân chia cho 2 bên theo tỷ lệ 40/60. Công đoạn lắp ráp cuối cùng được thực hiện tại Nhà máy của Mitsubishi Heavy Industries ở Nhật Bản.


Về cơ bản, F-2 giống với F-16 nhưng có diện tích cánh chính và cánh đuôi ngang lớn hơn,  phần mũi dài và lớn hơn để phù hợp với một radar mới.


Buồng lái F-2 được trang bị 3 màn hình LCD đa chức năng.

Tuy được chế tạo lại từ F-16 nhưng F-2 có những khả năng mà F-16 không có được.

Cụ thể, F-2 được trang bị một radar mạng pha đa chức năng hoạt động theo từng giai đoạn J/APG-1 do Mitsubishi Electric phát triển, thông số kỹ thuật của radar này đến nay vẫn không được công bố.

Ngoài ra, điểm ấn tượng của máy bay còn phải kể tới hệ thống tác chiến điện tử, hệ thống fly-by-wire hiện đại, máy tính điều khiển kỹ thuật số, hệ thống hiển thị thông tin trên mũ phi công. Ban đầu, phần lớn các thiết bị điện tử do Lockheed Martin cung cấp, về sau Mitsubishi Electric chủ động hợp tác sản xuất.


So với F-16, F-2 được chế tạo với tỉ lệ sử dụng vật liệu composite cao hơn nhằm giảm trọng lượng và độ bộc lộ radar. Khả năng mang tải trọng vũ khí của F-2 cũng lớn hơn so với F-16. F-2 có tất cả 13 điểm treo vũ khí với tổng tải trọng vũ khí lên đến 8.085kg.


F-2 được trang bị 1 động cơ F110 GE-129, cung cấp lực đẩy thô 76kN, lực đẩy có đốt sau 125kN. Tốc độ tối đa Mach-2, tầm hoạt động 834km với nhiệm vụ chống hạm.


Một số phi công Mỹ từng lái F-2 thừa nhận, máy bay này có những khả năng mà F-16 không có.


Gần đây, theo một số thông tin, F-2 sẽ được trang bị radar quét mạng pha điện tử. Radar AESA mang lại một năng lực tác chiến mới mạnh mẽ hơn.


Tàu Aegis lớp Kongo

Dựa trên thiết kế của tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ, Nhật Bản đã phát triển thành công tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Kongo được đánh giá hàng đầu thế giới.


So với tàu Arleigh Burke, tàu khu trục lớp Kongo có cấu trúc thượng tầng cao và nhỏ hơn. Tàu được thiết kế với khả năng tàng hình nhẹ, phần boong sau dài hơn, hệ thống phóng tên lửa phía sau tàu được thiết kế bằng với sàn đáp cho trực thăng chứ không cao hẳn lên như nguyên bản, tàu có tải trọng 9.500 tấn, lớn hơn so với tàu khu trục tiêu chuẩn.

Tàu Aegis lớp Kongo vũ khí uy lực của Hải quân Nhật Bản.

Kongo là lớp tàu khu trục đầu tiên ngoài Mỹ được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis, sử dụng chung radar AN/SPY-1 như trên một số chiến hạm Mỹ. Điều  này mở ra khả năng tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chung với Mỹ tại châu Á.

Tàu khu trục Kongo được trang bị vũ khí tương tự như tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ, gồm: tên lửa chống hạm RGM-84Harpoon, ngư lôi chống ngầm RUM-139, pháo hạm đa năng 127mm, 2 hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx 20mm.


Tàu có khả năng mang theo 90 tên lửa SM-2 hoặc SM-3 block 1A với 29 ống phóng Mk41 phía trước mũi tàu và 61 ở phía sau đuôi tàu. Tàu có sàn đáp cho 2 trực thăng chống ngầm nhưng không có nhà chứa như nguyên mẫu của Mỹ.


Được trang bị 4 động cơ đẩy tuabin khí LM2500 công suất 100.000 mã lực, tàu có thể tốc độ tối đa đạt 30 hải lý/giờ, tầm hoạt động 4.500 dặm.


Hoài bão ATD-X

Tuy mới dừng lại ở mức độ thử nghiệm công nghệ, nhưng mẫu thử nghiệm tiêm kích thế hệ 5 ATD-X đã cho thấy Nhật Bản có đủ khả năng để phát triển một tiêm kích mới đẳng cấp.


Các thử nghiệm khí động học, động cơ đẩy vector 3D đã cho kết quả khả thi. Theo dự kiến, ATD-X sẽ có chuyến bay đầu tiên vào năm 2014. Nếu được chấp thuận đầu tư phát triển, ATD-X sẽ là một đối thủ tiềm năng so với các tiêm kích F-22, F-35, PAK F/A T-50.


Thống kê trên đây chỉ là một phần nhỏ trong số những sản phẩm tiêu biểu của công nghiệp quốc phòng Nhật Bản. Ngoài ra còn những sản phẩm tiêu biểu khác như tàu đổ bộ trực thăng lớp Oosumi, tàu ngầm lớp Oyashio, máy bay tuần tra chống ngầm P-3C Orion... Có thể nói, công nghiệp quốc phòng Nhật Bản như “một con rồng đang ẩn mình”, chờ thời cơ thức tỉnh.

(Nguồn: Theo ĐấtViệt )