Tìm hiểu về xe tăng Altay
Lần đầu tiên từ năm 1943, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định phát triển xe tăng nội địa hiện đại, với sự hợp tác của rất nhiều công ty quốc phòng trong nước và thế giới.

Dù là một đất nước có nền công nghiệp quốc phòng mạnh với nhiều công ty sản xuất vũ khí đã có tiếng tăm trên thế giới như Aselsan hay Otokar nhưng trong một thời gian dài, lục quân Thổ Nhĩ Kỳ phải sử dụng xe tăng nhập khẩu từ nước ngoài. Chỉ gần đây, nước này mới giới thiệu loại xe tăng nội địa đầu tiên từ sau thế chiến 2 có tên Altay.

Một mẫu thiết kế của Altay tương tự như K2 Black Panther của Hàn Quốc. 

Nhằm cải thiện khả năng chiến đấu của lục quân Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tăng cường năng lực tự chủ, Bộ Quốc phòng nước này quyết định khai thác hết tinh hoa của các công ty quốc phòng trong nước cho mục tiêu phát triển xe tăng nội địa.

Trên thực tế, chương trình phát triển xe tăng Altay chính thức bắt đầu từ tháng 8/2008 tại nhà máy của công ty Otokar với sự hợp tác của rất nhiều công ty trong và ngoài nước như Rheinmetall của Đức hay Huyndai của Hàn Quốc.


Trong đó, công ty nội địa Aselsan chịu trách nhiệm sản xuất hệ thống kiểm soát hỏa lực Volkan-III, hệ thống điều khiển, thông tin, liên lạc. Tập đoàn hóa chất cơ khí công nghiệp nhà nước (MKEK) chịu trách nhiệm sản xuất pháo chính 120 mm, có sự hợp tác với Rheinmetall. Công ty Rocketsan thiết kế và sản xuất vỏ giáp cho xe. Cùng với đó, Huyndai chia sẻ một số công nghệ của xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc.

Mẫu đồ họa 3D của xe tăng Altay được giới thiệu vào tháng 8/2010.

Mô hình 3D của Altay được giới thiệu từ tháng 8/2010 với tháp pháo thiết kế giáp đứng (tương tự như xe tăng Leopard 2A4 của Đức) nhưng mẫu thử nghiệm xe tăng đầu tiên được trưng bày ngày 10/5/2011 tại Istanbul lại cho thấy thiết kế phần trước tháp pháo hình chữ V (giống rất nhiều loại xe tăng hiện đại trên thế giới như Leopard 2A6, T-90 hay Type-99).

Xe tăng Altay có chiều dài thân 10,0 mét (cả pháo chính ở vị trí hướng nòng về phía trước), rộng 3,6 mét và cao 2,5 mét và có khối lượng 55 tấn, tương đương với một chiếc K2 của Hàn Quốc và hơi nhỏ hơn các loại xe tăng khác của NATO như Leopard 2A6, Challenger hay M1 Abrams.


Thiết kế bên trong của chiếc xe tăng tương tự như các xe tăng thông thường khác với lái xe phía trước, trưởng xe và pháo thủ ở giữa và động cơ ở phía sau.


Phần thân xe của Altay được kéo dài hơn so với K2 với xích xe trang bị 7 bánh dẫn động. Điều này cho phép lắp đặt động cơ công suất lớn hơn và giáp bảo vệ tốt hơn.


Hai loạt xe được sản xuất đầu tiên sẽ được trang bị động cơ MTU 883 1.500 mã lực (tương đương với động cơ M1 Abrams hay Leopard 2A6). Tuy nhiên, từ loạt xe thứ ba trở đi, Altay sẽ được trang bị động cơ với công suất lớn hơn, 1.800 mã lực giúp xe có thể đạt được tốc độ tới 70 km/h trên địa hình đường bằng phẳng và có thể lội qua khu vực nước sâu tới 4,1 mét.

Sơ đồ bố trí vũ khí và thiết bị trên xe tăng Altay.

Vũ khí chính của xe là pháo nòng trơn L55 120 mm do Rheinmetall (Đức) thiết kế. Đạn pháo sẽ được chứa trong khoang đặc biệt của tháp pháo với các tấm chắn dễ dàng bung ra khi đạn bị bắn nổ, tăng sự an toàn cho kíp xe.

Ngoài ra, xe còn được trang bị một súng máy phòng không 12,7 mm, bố trí trên một ụ súng được điều khiển từ xa và một đại liên đồng trục 7,62 mm. Tất cả các vũ khí này sẽ được điều khiển bằng hệ thống điều khiển hỏa lực được vi tính hóa Volkan-III.


Hệ thống này được hỗ trợ bởi các thiết bị quan sát ảnh nhiệt và đo xa laser giúp cho phép xe có thể duy trì khả năng bắn chính xác trong cả điều kiện ban đêm và thời tiết xấu.

Mẫu thử chính thức của xe tăng Altay được giới thiệu tại Istanbul vào tháng 5/2011

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn thành việc sản xuất 4 mẫu xe Altay để phục vụ cho các thử nghiệm thực địa.

Dự kiến, xe tăng Altay sẽ phục vụ trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2015 với số lượng lên tới 1.000 chiếc, sản xuất theo 4 loạt, mỗi loạt 250 chiếc.


Altay sẽ dần thay thế các loại xe tăng M-60, Leopard-1 và Leopard 2A4 đang phục vụ trong quân đội nước này.

(Nguồn: Theo Đất Việt )