Kỳ 1: Lịch sử ra đời hoạt động của OKB Sukhoi
Đóng góp của Sukhoi trong chiến tranh Vệ Quốc
Tháng 9/1939, nhà thiết kế Pavel Sukhoi (1895-1975)
thành lập cục thiết kế Sukhoi (OKB Sukhoi *). Vị trí ban đầu của cục đặt
tại Kharkov (Ukraine), tuy nhiên Pavel Sukhoi tỏ ra không hài lòng về
vị trí hiện tại nên quyết định chuyển về gần thủ đô Moscow (sân bay
Modmoskovye).
Tháng 12/1941, Phát xít Đức phát động cuộc tấn công xâm lược Liên Xô.
Chiến tranh Vệ quốc bùng nổ, tất cả các công ty công nghiệp quốc phòng
Liên Xô dồn toàn lực sản xuất trang bị vũ khí cho Hồng Quân, OKB Sukhoi
không là ngoại lệ.
Mẫu thiết kế tốt nhất mà OKB Sukhoi có được là máy bay cường kích Su-2
(được sản xuất gần 1.000 chiếc). Ngoài Su-2, OKB Sukhoi còn nghiên cứu
dự án Su-1, Su-4, Su-5, Su-6 nhưng đều chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm mà
không đưa vào sản xuất hàng loạt.
Dẫu sao, những chiếc Su-2 đã góp công không nhỏ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô.
Dấu ấn Su-7
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, công nghiệp hàng không quân sự
bước vào thời kỳ phát triển máy bay động cơ phản lực. Ở giai đoạn này,
OKB Sukhoi chỉ thực hiện hai dự án máy bay phản lực cận âm Su-9 và Su-15
nhưng đều bị hủy bỏ. Công lao lớn nhất của Sukhoi là ứng dụng một số
công nghệ mới trong thiết kế máy bay: dù hãm để giảm quãng đường hạ
cánh, ghế phóng khẩn cấp.
Giai đoạn 1949-1953, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô buộc cục thiết kế Sukhoi
phải giải thể. Có một số nguồn tin cho rằng, lãnh tụ Xô Viết Stalin
không thích cá nhân ông Pavel Sukhoi. Sau khi vị Tổng bí thư Đảng Cộng
Sản Liên Xô này qua đời, Pavel Sukhoi tái lập OKB Sukhoi.
Thời kỳ này, xu hướng phát triển chiến dấu cơ trên thế giới chuyển sang
giai đoạn các loại máy bay có khả năng đạt vận tốc siêu âm. Vào tháng
9/1955, máy bay cường kích siêu âm đầu tiên của OKB Sukhoi Su-7 cất cánh
thành công. Năm 1959, Su-7 chính thức đi vào phục vụ trong Không quân
Xô Viết.
|
Cường kích Su-7 biên chế trong Không quân Ấn Độ.
|
Su-7 thiết kế theo kiểu dáng cánh cụp, cửa hút khí
nằm ở mũi (đặc trưng máy bay Xô Viết những năm 1950-1960), lắp một động
cơ tuốc bin phản lực AL-7F cho phép chiếc máy bay đạt tốc độ siêu âm hơn
2.000km/h.
Tuy nhiên, tầm bay của Su-7 rất hạn chế, thể tích chứa nhiên liệu thấp.
Dù được thiết kế cho nhiệm vụ tấn công mặt đất nhưng tải trọng vũ
khí nhỏ (chỉ hơn 2.000kg).
Dẫu sao, Su-7 khá thành công trong lĩnh vực xuất khẩu, đã có 1.847 chiếc
được chế tạo phục vụ rộng rãi ở 10 quốc gia trên thế giới.
Mãi tới những năm 1980, Su-7 mới bị loại khỏi hầu hết không quân các
nước. Có thể nói không ngoa, Su-7 đã đặt nền móng đầu tiên tạo dựng
thành công sau này cho OKB Sukhoi trong lĩnh vực chế tạo máy bay cường
kích.
Tập tành chế tạo tiêm kích
Không chỉ tham gia thiết kế máy bay cường kích, OKB Sukhoi còn “chen chân” vào lĩnh vực tiêm kích đánh chặn.
Năm 1956, tiêm kích đánh chặn Su-9 cất cánh thành công lần đầu. Su-9 có
kiểu dáng thân và đuôi tương tự Su-7 nhưng dùng kiểu cánh tam giác.
Ngoại hình Su-9 rất giống với tiêm kích huyền thoại MiG-21.
Cũng như Su-7, Su-9 mắc những điểm yếu như tầm bay ngắn, khả năng mang
vũ khí giới hạn. Sau Su-9, Sukhoi phát triển mẫu cải tiến Su-11 nhưng
chỉ được chế tạo số lượng rất ít do những vấn đề kỹ thuật.
Tiếp đó, năm 1967 OKB Sukhoi trình làng tiêm kích đánh chặn Su-15 với
một số sửa đổi trong thiết kế (chuyển cửa hút khí sang 2 bên thân).
Su-15 khá nổi tiếng nhưng không phải do có chiến tích hoành tráng mà là
dính vào vụ bê bối bắn hạ máy bay chở khách KAL 007 (Hàng không quốc gia
Hàn Quốc) năm 1983.
Su-17 tiếp nối Su-7
Điểm nhấn trong thiết kế chiến đấu cơ OKB Sukhoi những năm 1960-1970 là máy bay cường kích Su-17 – tiếp nối thành quả của Su-7.
Điểm đặc trưng của Su-17 sử dụng kiểu “cánh cụp cánh xòe’ do Viện khí
động lực học trung ương (TsAGI) thiết kế. Cánh xòe ra để tạo lực nâng ở
trần bay thấp, cánh cụp lại để tăng tốc độ.
Su-17 mang khối lượng vũ khí 4 tấn trên 10 giá treo. Những biến thể cải
tiến sau này cho phép nó mang vũ khí tấn công chính xác cao.
|
Su-22M4 (biến thể xuất khẩu của Su-17) biên chế trong Không quân Ba Lan.
|
Su-17 là mẫu máy bay thành công của OKB Sukhoi, gần
3.000 chiếc được sản xuất và xuất khẩu tới hơn 20 quốc gia trên thế
giới, trong đó có Việt Nam (chính là các biến thể của Su-22).
Su-17 đi vào phục vụ chưa lâu, năm 1969 OKB Sukhoi giới thiệu cường kích
cánh cụp cánh xòe Su-24. Năm 1975, cường kích Su-25 – “sát thủ diệt
tăng” ra mắt. Cả hai loại phục vụ tích cực trong Không quân Nga và vài
nước khác.
Mở đầu trường phái tiêm kích đa năng
Nối tiếp thành công của Su-17, giai đoạn 1970-1980 OKB Sukhoi để lại dấu
ấn bằng thiết kế chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không Su-27.
Su-27 có tầm bay lớn, tải trọng vũ khí 8 tấn, tính cơ động linh hoạt
cao. Ngoài thực hiện vai trò đối không bằng các loại tên lửa tầm ngắn
tầm trung, Su-27 cũng thể hiện khả năng cường kích bằng bom và rocket
không điều khiển nhưng còn nhiều hạn chế. Biến thể Su-27SM mang được vũ
khí tấn công chính xác cao.
Su-27 là nguồn lợi chính của Sukhoi sau khi Liên Xô sụp đổ. Lãnh đạo Sukhoi lúc đó là Mikhail Simonov tích cực tìm kiếm thực hiện hợp đồng xuất khẩu Su-27. Nhờ đó mà không
quân nhiều nước trên thế giới mới có cơ hội tiếp cận một trong những
loại chiến đấu cơ thế hệ thứ tư tiên tiến hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, từ nền tảng Su-27 thì Sukhoi đã phát triển thành công nhiều biến thể cải tiến mạnh như Su-30, Su-33, Su-34 và Su-35.
|
Niềm tự hào của OKB Sukhoi - chiến đấu cơ Su-27.
|
Những năm 1990, đi cùng xu hướng phát triển chung của
thế giới Sukhoi tuy gặp nhiều khó khăn nhưng cũng tích tham gia phát
triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Điển hình là máy bay thử nghiệm Su-47 Berkut với thiết kế cánh ngược độc
đáo. Tuy nó chỉ dừng ở giai đoạn thử nghiệm nhưng nó đã đem lại cho
Sukhoi nhiều kinh nghiệm quí giá. Và điều đó được hiện thực hóa ở Sukhoi
PAK FA T-50.
Ngày 29/1/2010, nguyên mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ năm Sukhoi T-50 lần
đầu cất cánh ở sân bay Komsomolsk on Amur Dzemgi. Sukhoi T-50 hứa hẹn sẽ
tiếp tục đưa Sukhoi vươn tới thành công lớn hơn.
Sukhoi trong lĩnh vực dân sự
Không chỉ tham gia phát triển máy bay quân sự, Sukhoi còn “xông pha” vào lĩnh vực dân sự.
Kinh nghiệm phát triển chiến đấu cơ với khả năng thao diễn tuyệt vời,
Sukhoi đưa vào ứng dụng thiết kế máy bay thể thao động cơ cánh quạt
Sukhoi Su-26/29/31. Trong các cuộc thi ở Châu Âu và thế giới, đội bay
của Sukhoi đã đạt được 330 huy chương có 156 huy chương vàng).
Trong lĩnh vực hàng không dân dụng, thiết kế mới nhất, đầy tiềm năng
xuất khẩu nhất của Sukhoi là máy bay chở khách tầm trung Superjet 100.
Hơn 70 năm hoạt động, những nhà thiết kế tài ba của OKB Sukhoi phát
triển 100 loại máy bay và biến thể, với 60 kiểu đưa vào sản xuất, 10.000
chiếc xuất xưởng. Có khoảng 2.000 chiếc máy bay các loại xuất khẩu tới
hơn 30 quốc gia trên thế giới.