Kỳ 3: Phá thế độc quyền
Tiêm kích thế hệ 5 thử nghiệm Т-50-1 của Nga với tên gọi chính thức là hệ thống máy bay chiến thuật tương lai (PAK FA) cất cánh lần đầu tiên vào ngày 29/1/2010.
Đây được coi là sự đáp trả đối với F-22 Raptor của Mỹ, qua đó tái khẳng định vị thế cường quốc hàng không của Nga.
Uy hiếp các đối thủ Mỹ
PAK FA là tiêm kích hạng nặng đa năng, một chỗ ngồi, hai động cơ. Máy bay có thể tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu trên không, mặt đất và trên biển, kể cả các mục tiêu nhỏ và cơ động, trong mọi thời tiết, suốt ngày đêm, khi đối phương sử dụng nhiễu tích cực, bảo đảm bí mật trong sử dụng, có các khả năng tàng hình, siêu cơ động, bay siêu hành trình dài và cất/hạ cánh đường băng ngắn.
T-50 là máy bay chiến đấu tàng hình đầu tiên, có độ bộc lộ radar nhỏ nhất của Nga, nhưng vẫn lớn hơn F-22 của Mỹ một chút vì Nga chú trọng hơn khả năng cơ động ở tiêm kích thế hệ 5 và giá cả, trong khi Mỹ nhấn mạnh yếu tố tàng hình.
|
Siêu phẩm T50 của Nga. Ảnh: Topwar-ru |
Công trình sư trưởng T-50 Aleksandr Davydenko cho biết, PAK FA kém F-22A, nhưng không nhiều. F-22 có tiết diện radar 0,3-0,4 m2, còn tiết diện radar của T-50 được cho là khoảng 0,5 m2.
Hệ thống avionics trên máy bay là loại hiện đại nhất của Nga, có mức độ trí năng, tự động hóa rất cao, bảo đảm khả năng tác chiến lấy mạng làm trung tâm cho PAK FA. Đây là sự kết hợp các chức năng của phi công điện tử và radar tiên tiến anten mạng pha chủ động, cho phép giảm tải cho phi công để phi công tập trung vào thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.
Máy bay có hệ thống trao đổi dữ liệu chiến thuật thời gian thực. Phi công được cung cấp đầy đủ thông tin do các khí tài trên máy bay thu thập và từ các nguồn khác.
Máy bay được trang bị một số radar và trạm định vị quang học làm việc ở các dải tần khác nhau để phát hiện máy bay tàng hình của đối phương, các hệ thống laser và quang-điện tử, trạm gây nhiễu quang-điện tử chủ động...
Radar mạng pha chủ động băng X siêu hiện đại do Viện NIIP Tikhomirov phát triển được cho có thể bắt bám đến 60 mục tiêu bay và bắn 16 mục tiêu, ở tầm xa tới 400 km.
Radar bổ trợ băng L cho phép tăng khả năng kháng nhiễu, khả năng sống còn và tăng hiệu quả phát hiện mục tiêu tàng hình. Trạm định vị quang học (có thể là OLS-50М) cho phép phát hiện máy bay tàng hình ở tầm xa, tạo ra lợi thế khi không chiến với F-22 và F-35.
Phi công PAK FA cũng được trang bị các thiết bị hỗ trợ thế hệ mới như mũ bay ZSh-10 tích hợp hệ thống phát hiện và chỉ thị mục tiêu, ghế thoát hiểm thế hệ 5 K36D-3,5.
Các mẫu chế thử T-50 và các mẫu sản xuất đầu tiên được lắp động cơ tạm thời Izdelie 117 (117S) của tiêm kích thế hệ 4++ Su-35S. Tuy vẫn cho phép T-50 bay hành trình siêu âm không tăng lực, động cơ 117S chưa có tất cả các tính năng của động cơ thế hệ 5.
Chưa có động cơ thế hệ 5 là điểm yếu cơ bản, “gót chân Achilles” của chương trình PAK FA. Sự cố một chiếc T-50 không thể cất cánh trình diễn hôm 21.8.2011 tại MAKS-2011 do trục trặc ở một động cơ như khẳng định sự lo ngại này. (>> chi tiết)
|
T-50 – đối thủ cạnh tranh của F-22A (bên phải). Ảnh: pakfa-ucoz-ru |
“S-400 trên không” và sát thủ tàu sân bay
Về trang bị vũ khí, T-50 có ưu thế là các khoang vũ khí bên trong có sức chứa kỷ lục đối với các máy bay có kích thước tương tự. Máy bay được trang bị nhiều loại tên lửa đối không, đối đất và đối hạm tiên tiến nhất, có tầm bắn xa gấp đôi các loại tương tự của Mỹ, các loại bom thông minh cỡ đến 500 kg và hai pháo 30 mm.
PAK FA được mệnh danh là “S-400 trên không”, sát thủ máy bay chỉ huy-báo động sớm và tàu sân bay nhờ được trang bị tên lửa đối không tầm siêu xa izd. 810 tầm bắn 400-420 km (tương tự tầm bắn của hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf) và tên lửa hành trình chống hạm siêu vượt âm BrahMos-II bay nhanh nhất thế giới, gấp 7 lần tốc độ âm thanh (7М). (>> chi tiết)
Các tên lửa đối không tầm trung trang bị cho PAK FA là izd. 180-PD tầm bắn 250 km và izd. 180 tầm 110-140 km. Khi cận chiến, PAK FA sử dụng tên lửa tầm gần cơ động cao mới K-MD (izd. 300), lắp đầu tự dẫn ảnh nhiệt matrix với khả năng phân biệt hình ảnh và tầm bắt mục tiêu xa gấp đôi, có thể tiêu diệt máy bay tiêm kích cơ động cao, thậm chí cả tên lửa đang bay đến.
Tại Triển lãm MAKS-2011, Tổng giám đốc và Tổng công trình sư Tập đoàn Vũ khí tên lửa chiến thuật KTRV Boris Obnosov cho biết, KTRV đã phát triển loại tên lửa mới cho tiêm kích thế hệ 5 Т-50 (PAK FA) tầm bắn 200 km, sẽ sản xuất thử nghiệm trong năm 2011 và bắt đầu sản xuất loạt từ năm 2012. Theo KTRV, T-50 sẽ được trang bị một pháo 30 mm, các tên lửa đối không tầm ngắn, trung và xa RVV-MD, RVV-SD và RVV-BD, các bom KAB-500.
Tổng cộng, có 14 loại vũ khí đang được phát triển cho PAK FA. Đặc biệt, PAK FA có tuyệt chiêu “hồi mã thương” lợi hại là khả năng tác chiến ở bán cầu sau. Với các radar quan sát phía sau, máy bay có thể phóng ngược tên lửa để chặn đánh các đối phương đang truy đuổi ở phía sau, không cần quay đầu lại để phóng tên lửa.
Theo một dự báo của Nga, các khách hàng tiềm năng mua PAK FA ở Đông Nam Á là Indonesia (mua 6-12 chiếc vào năm 2028-2032), Việt Nam (12-24 chiếc, 2030-2035) và Malaysia (12-24 chiếc, 2035-2040).