Hồ sơ tàu ngầm Đông Bắc Á (kỳ 1)
Có nền kinh tế phát triển cùng với nền tảng quốc phòng vững chắc, các quốc gia Đông Bắc Á đã tự giải quyết “bài toán” tàu ngầm của mình.

Kỳ 1: Tự cường sức mạnh ngầm

Tinh thần độc lập - tự cường mạnh mẽ

Dù xuất phát điểm của mỗi quốc gia có những điểm khác biệt nhưng cả 3 nước Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều rất chú trọng việc phát huy nội lực để nâng cao tiềm lực quốc phòng. Trong đó, Nhật Bản không muốn làm “nước lớn què quặt” nên chủ trương duy trì phát triển lực lượng quân sự tương xứng với địa vị nền kinh tế, có thể có sức ảnh hưởng tới an ninh thế giới.

Hàn Quốc cũng không chịu kém cạnh, quyết tâm xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng mạnh. Xét về khối lượng và trình độ công nghệ, công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc đang ở vị trí số 1 trong khu vực.

Còn Triều Tiên, với chính sách độc lập tự chủ, ưu tiên hàng đầu cho quân sự (military first) cũng đã áp dụng mô hình Liên Xô để xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng nhằm chế tạo tất cả vũ khí trang bị cho quân đội.

Cùng với đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đều là quốc đảo hoặc bán đảo nên hải quân, trong đó có lực lượng tàu ngầm được đặc biệt chú trọng phát triển. Đến nay, bằng nhiều con đường, các nước này đều đã làm chủ công nghệ chế tạo tàu ngầm.

Khả năng này lại cộng với diễn biến an ninh phức tạp khiến Đông Bắc Á trở thành khu vực có mật độ tàu ngầm hoạt động lớn nhất thế giới. Từ hoàn cảnh và kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên, các quốc gia đang phát triển có thể rút ra bài học trong việc xây dựng, phát triển lực lượng tàu ngầm của riêng mình.

Tàu ngầm “tiêu chuẩn Mỹ”

Kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản trở thành đồng minh chiến lược của Mỹ trong khu vực. Nhờ mối quan hệ này, Nhật Bản đã sớm có được giấy phép và tài liệu kỹ thuật của nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) để phát triển công nghệ trong nước, trong đó có công nghệ quân sự. Vậy nên, khi sự kiềm tỏa của Mỹ lên hoạt động công nghiệp quốc phòng được nới lỏng, các nhà cung cấp nội địa Nhật Bản nhanh chóng phát triển và sản xuất được hầu như tất cả trang thiết bị hiện đại cho lực lượng phòng vệ với tiêu chuẩn rất cao.

Trong đó, các tàu ngầm Nhật Bản được thiết kế với lớp vỏ chắc chắn, được làm từ thép có độ bền cao, cho phép tàu lặn xuống độ sâu 500m. Cùng với đó, các tàu này được trang bị hệ thống đẩy khí độc lập (AIP) rất hiện đại của hãng Kockums (Thụy Điển) giúp tàu ngầm Nhật hoạt động lâu hơn dưới mặt biển với chu kỳ nổi lên để thay khí tính bằng tuần. Một số tàu ngầm Nhật Bản có thiết kế vỏ kép để tăng tính an toàn trong khi nhiều tàu ngầm Mỹ chậm áp dụng công nghệ này.

Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản.

Tàu ngầm Nhật còn được tự động hóa cao, giúp giảm số thủy thủ đoàn so với các loại cùng kích cỡ do nước khác thiết kế, qua đó kéo dài thời gian hoạt động trên biển. Điển hình là tàu lớp Oyashio, “xương sống” của lực lượng tàu ngầm Nhật Bản (với số lượng khoảng 11 chiếc), có thủy thủ đoàn là 69 người nhưng có thể làm việc dưới biển tới 90 ngày. Trong khi đó, tàu ngầm lớp Kilo của Nga có thủy thủ đoàn ít hơn (52 người) nhưng số ngày hoạt động chỉ bằng một nửa.

Cùng với việc nâng cấp các tàu lớp Oyashio, Nhật Bản cũng đang đóng và bước đầu vận hành tàu ngầm lớp Soryo, tàu ngầm lớn nhất từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 trong biên chế Hải quân Nhật Bản với lượng giãn nước lên tới 2.900 tấn. Điểm nâng cao của tàu lớp Soryo so với Oyashio ở tính tự động hóa hệ thống chiến đấu. Trong khí đó, 2 lớp tàu này có trang bị về vũ khí như nhau, gồm 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm, loại Type-89 và tên lửa chống hạm UGM-84 Harpoon.

Nhằm đối phó với các thách thức an ninh hàng hải, Nhật Bản vừa quyết định nâng số tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc.

Hướng tới xuất khẩu tàu ngầm

Hàn Quốc đã có chiến lược đầu tư vào ngành đóng tàu để trở thành cường quốc hải quân. Từ năm 2001, mỗi năm Chính phủ Hàn Quốc đầu tư 7,13 triệu USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ đóng tàu. Giống Nhật Bản, công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Mỹ qua việc chuyển giao các gói dữ liệu kỹ thuật.

Tuy nhiên, để chế tạo tàu ngầm, Hàn Quốc lại “chơi thân” với Đức, một quốc gia có truyền thống mạnh trong lĩnh vực đóng tàu ngầm. Biểu hiện rõ nét là sự có mặt của các tàu ngầm lớp Type-209/1200 với tên Hàn Quốc là Changbogo, theo tên một đô đốc hải quân vương triều Koryo tồn tại cách đây 1.000 năm.

Tàu lớp Chang Bogo, được thiết kế để bảo vệ các căn cứ hải quân và tiêu diệt các tàu ngầm và tàu mặt nước của đối phương. Tàu có lượng giãn nước 1.200 tấn, có thể lặn sâu 250m, tốc độ 11-21 hải lý/giờ và được trang bị 14 ngư lôi cỡ 533mm cùng với 28 thủy lôi. Ba chiếc đóng sau cùng thuộc lớp này còn được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon.

Thiết kế tàu ngầm Type-214 của hãng HDW mà Hàn Quốc dựa vào chế tạo tàu ngầm lớp Chang Bogo II.

Tàu có thủy thủ đoàn lên tới 40 người, có thể thực hiện các nhiệm vụ độc lập trong thời gian 2 tháng. Dựa trên mẫu thiết kế của Changbogo và sự giúp đỡ kỹ thuật của hãng HDW, hãng Huyndai bắt tay chế tạo tàu ngầm Type-214 (Chang Bogo II), lượng giãn nước 1.700 tấn, tích hợp nhiều cảm biến và hệ thống điều khiển vũ khí tối tân.

Trong “gia đình” tàu ngầm Hàn Quốc, thành viên đang nhận được nhiều sự chú ý hiện nay là tàu lớp Chang Bogo III, có lượng giãn nước lên tới 3.500 tấn. Dự kiến, tàu chiến này sẽ được trang bị các ống phóng thẳng đứng, dành cho tên lửa hành trình hạng nặng nội địa Cheonryon, có tầm bắn 500km.

Không bị cấm xuất khẩu vũ khí như Nhật Bản, Hàn Quốc đang xúc tiến xuất khẩu tàu ngầm ra thị trường thế giới với các đối tác tiềm năng là các khách hàng trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Malaysia…

Vũ khí là con người

Trong điều kiện chật vật hơn so với Nhật Bản và Hàn Quốc, Triều Tiên không có được các tàu ngầm hiện đại. Nhưng bù lại, nước này có số lượng tàu ngầm thuộc vào hàng “khủng”, với khoảng 88 chiếc. Từ sự giúp đỡ của các nước trong khối XHCN trước đây, trong hoàn cảnh eo hẹp của mình, Triều Tiên đã xây dựng lực lượng tàu ngầm đông đảo, tuy không hiện đại nhưng đảm đương được các nhiệm vụ chiến đấu.

Trong lực lượng tàu ngầm Triều Tiên, đông nhất là tàu ngầm Yugo (khoảng 40-45 chiếc, chế tạo dựa trên mẫu tàu ngầm lớp Una của Nam Tư). Đây là tàu ngầm chỉ lượng giãn nước khoảng 110 tấn với thủy thủ đoàn chỉ cần tới… 2 người. Điều khác biệt này là do quan điểm tác chiến của Triều Tiên luôn đánh giá cao yếu tố con người.

Không rõ tàu Yugo có trang bị mìn hay ngư lôi hay không, nhưng điều đó không quan trọng bởi vũ khí của tàu là… bộ đội đặc công. Yugo được thiết kế để có thể chở 6-7 binh sĩ. Sau khi tới bờ biển đối phương, lực lượng này sẽ bơi hoặc lặn để thâm nhập sâu vào lãnh thổ đối phương, sau đó thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Sau tàu lớp Yugo về số lượng là tàu lớp Sang O (khoảng 20-25 chiếc). Loại tàu này có lượng giãn nước gần 400 tấn, được thiết kế thành 2 loại với 2 nhiệm vụ, chở đặc công (giống tàu lớp Yugo) và rải mìn. Do đó, vũ khí trang bị cho tàu cũng rất khiêm tốn chỉ từ 2-4 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm và khoảng 16 quả mìn.

Nói vậy, không phải Triều Tiên không có những tàu ngầm tiến công, đó là những chiếc thuộc lớp Romeo và Wishkey. Tuy nhiên, lực lượng này khá khiêm tốn về cả số lượng và sức mạnh trên biển. Tag: Hải quân các nước trên thế giới

(Nguồn: Theo Đất Việt )