Quân đội Mỹ phát 'khoe' một loạt siêu vũ khí
Hải quân Mỹ sẽ trang bị đại bác laser có thể làm chảy thép trong vài giây, tàu tuần tra dưới nước hoạt động liên tục 60-70 ngày, tàu ngầm và trực thăng chiến đấu không người lái.

Đô đốc Hải quân Mỹ Gary Roughead cho biết, các nhà khoa học công tác tại Phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ nghiên cứu sâu về công nghệ Laser để chế tạo ra súng đại bác bắn đạn năng lượng điện từ với tốc độ nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh (trong không khí khô ở nhiệt độ 20 độ C, vận tốc âm thanh là 343,2 m/giây, tương đương 1.236 km/giờ), làm nóng chảy lớp thép dày trong vòng vài giây.

Các nhà khoa học nói rằng, đến năm 2020, tàu chiến Mỹ có thể được trang bị đại bác laser có năng lượng ở mức kilowatt, thậm chí megawatt.

Theo ông Gary Roughead, việc phát triển đại bác laser cho tàu chiến, đặc biệt là hàng không mẫu hạm trị giá hàng tỷ USD, rất hữu ích vì tàu có thể đến gần bờ biển hoặc tàu đối phương mà không bị tên lửa đối phương bắn hạ. Đại bác Laser chỉ cần gắn vào máy phát điện của tàu, không phải nạp đạn nên dễ dàng đánh chặn tên lửa đang bay tới.

Song song với việc phát triển công nghệ vũ khí laser, Quân đội Mỹ tiếp tục tăng cường phát triển sức mạnh hải quân bằng việc nghiên cưu chế tạo loại tàu có khả năng hoạt động dưới nước trong vòng 60-70 ngày, được phóng đi từ tàu chiến đấu ven biển hoặc tàu khu trục, có khả năng hoạt động xa khoảng 13.000km mà không phải quay lại tàu mẹ.

Loại tàu ngầm không người lái này được lắp nhiều loại vũ khí hoặc bộ cảm biến, có nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo, rà phá thủy lôi, tấn công tàu có người lái của đối phương…

Tàu ngầm không người lái của Hải quân Mỹ hiện nay chủ yếu được dùng để gỡ thủy lôi và hoạt động trong cự ly ngắn tối đa 222km.

Đặc biệt Hải quân Mỹ coi trọng nhất loại máy bay chiến đấu X47B bay thử hồi tháng 2/2011 và có thể được sử dụng rộng rãi từ năm 2018. X47B có thể hạ cánh, cất cánh từ tàu sân bay. Ngoài ra, BAMS - một loại máy bay giám sát tầm xa, sẽ phục vụ Hải quân Mỹ từ năm 2015.

Fire Scout, loại trực thăng không người lái tương tự của Mỹ, có nhiều bộ cảm biến cũng như camera đã được sử dụng để theo dõi những kẻ buôn lậu ma túy ở châu Mỹ Latinh và mới đây hoạt động trên chiến trường Afghanistan.

(Nguồn: Đất Việt )