A-55 và A-57 siêu thủy phi cơ bí mật của Liên Xô
Thời kỳ hoàng kim, giới hàng không Liên Xô đã cho ra đời hàng chục ý tưởng siêu việt, nhưng đa phần vẫn chỉ là các dự án nằm trên giấy.

Năm 1952, nhà toán học  Robert Lyudvigovich Bartini thuộc Viện nghiên cứu hàng không Siberia đã cho ra đời bản thiết kế dự án thủy phi cơ mang mật danh T-203.

Là một nhà toán học thiên tài, ông Bartini  đã cho ra đời một bản thiết kế với hình dáng khí động học "có một không hai".

Năm 1955, ông nộp bản vẽ thiết kế của mình cho các quan chức quân đội, bản thiết kế thủy phi cơ ném bom chiến lược siêu âm tầm trung mang tên A-55.

Theo thiết kế, thủy phi cơ A-55 có thể được tiếp nhiên liệu trên biển từ các tàu ngầm gần bờ biển của đối phương.

Thủy phi cơ A-55 có cấu hình khí động học rất đặc biệt, toàn bộ máy bay trông như một mũi tên. Cánh của thủy phi cơ xuôi rất sát về phía sau, cánh đuôi ổn định nằm ngay trên cánh chính.


A-55 dự định sử dụng 4 động cơ phản lực nằm giữa khoảng trống của hai cánh đuôi ổn định, cửa hút gió được bố trí phía trên để phù hợp với điều kiện hoạt động trên biển.

Được đầu tư nhiều tâm huyết, nhưng A-55 không được giới lãnh đạo quốc phòng Liên Xô chấp nhận. Năm 1957, nhóm thiết kế của Bartini tiếp tục sửa đổi A-55 thành đề án A-57.

Ở đó, cánh chính được thiết kế dài và xuôi hơn, rìa cánh được kéo dài về phía trước nhiều hơn, thân máy bay được mở rộng hơn. A-57 có các cánh đuôi ổn định thấp hơn và xuôi về phía sau nhiều hơn.


Điểm khác với A-55, A-57 được bổ sung cũng có thể cất cánh từ đường băng thông thường bằng cách thêm các bánh xe rời. Khi máy bay đạt tốc độ cần thiết để cất cánh, các bánh xe sẽ được tách ra.

A-57 được thiết kế với tốc độ tối đa là 2.500km/giờ, trần bay khoảng từ 18-23km, phạm vi hoạt động khoảng 15.000km. Thủy phi cơ A-57 có trọng lượng cất cánh khoảng 250 tấn.

Phi hành đoàn của A-57 có 3 người, khoang máy bay được thiết kế với phòng ngủ và nhà vệ sinh, đảm bảo các yêu cầu cho nhiệm vụ tầm xa.

Thủy phi cơ A-57 được thiết kế là loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa, phần phía trên động cơ có các giá treo gắn tên lửa hành trình. Khoang bom của máy bay được thiết kế đặc biệt với hệ thống ổn định nhiệt độ để có thể mang theo bom nhiệt hạch trọng lượng 3.000kg.

Nếu xảy ra một cuộc chiến với Mỹ, A-57 có thể được sử dụng như một quân bài chiến lược.
 
Khi đó, A-57 sẽ được các tàu chiến kéo đến gần bờ biển đối phương. Từ đây, thủy phi cơ này sẽ cất cánh và đánh đòn chiến lược với lực lượng mặt đất của Mỹ. Khả năng hạ cánh trên biển cho phép A-57 nhanh chóng tái nạp nhiên liệu, vũ khí và trở lại tham chiến.

Dù bản thiết kế đã được thông qua, tuy nhiên Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô cùng các quan chức quân đội cho rằng bản thiết kế của A-57 so với công nghệ lúc đó là thiếu thực tế, độ rủi ro tương đối cao. Kết quả, siêu thủy phi cơ A-55, A-57 mãi mãi nằm trên giấy tờ và chưa bao giờ được triển khai.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia nhận định rằng, nếu dự án được thông qua, có thể Liên Xô sẽ tạo ra được một cuộc cách mạng lớn trong thiết kế chế tạo máy bay.

Bản thân các bản vẽ khí động học của A-55, A-57 thể hiện một phong cách thiết kế táo bạo, một lối đi hoàn toàn mới lạ, song cũng chính vì tính quá đột phá và không giống ai, dự án A-55, A-57 đã bị “chết” ngay trên giấy.

(Nguồn: docbao.com )