Mỹ và Romani thống nhất vị trí triển khai lá chắn tên lửa
Ngày 3/5/2011, Mỹ và Romani đã nhất trí vấn đề triển khai các bộ phận thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ (NMD) trên lãnh thổ quốc gia này.

Theo đó chính phủ Romani đã đồng ý lấy căn cứ không quân cũ Deveselu nằm ở phía Bắc đất nước làm nơi triển khai NMD của Mỹ. Theo lời Tổng thống Romani, tại căn cứ này sẽ có khoảng 200 binh lính Mỹ đồn trú, tuy nhiên khi cần thiết con số này có thể tăng lên 500 người.

Tổng thống Basescu cũng đưa ra tuyên bố, theo đó, thỏa thuận về hệ thống phòng thủ tên lửa này không nhằm mục đích chống lại Nga.

Trước đó vào 3/2010, Tổng thống Romani cho biết, trong khuôn khổ kế hoạch triển khai NMD của Mỹ tại châu Âu, đến năm 2015, Romani sẽ triển khai trên lãnh thổ của mình 3 đơn vị pháo cùng với với 24 bệ phóng phóng tên lửa.

Cuối tháng 2/2010, Bộ trưởng Ngoại giao Romani Teodor Bakonsky thông báo rằng nước này đang tiến hành hội đàm với Mỹ về việc triển khai 20 tên lửa đánh chặn trên lãnh thổ Romani.

Mô phỏng một hệ thống phòng thủ tên lửa NMD.

Khi ấy, ý định triển khai các bộ phận thuộc NMD của Mỹ tại Romani đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía Nga, và Nga đã yêu cầu Mỹ phải đưa ra lời giải thích cho vấn đề này.

Về phần mình, đại sứ Mỹ tại Nga tuyên bố rằng những tên lửa đánh chặn SM-3 của Mỹ dự kiến được triển khai tại Romani nhằm chống lại tên lửa tầm trung và không chống lại Nga.

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 17/9/2009 đã tuyên bố thay đổi các kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu do người tiền nhiệm G.Bush đưa ra trước đó.

Tóm lại, Mỹ không từ bỏ kế hoạch triển khai các bộ phận trên mặt đất thuộc NMD tại châu Âu, nhưng hoãn triển khai chúng đến năm 2015.

Trước đó, Chính quyền cựu Tổng thống Bush có kế hoạch triển khai một trạm radar tại Cộng hòa Czech và các tên lửa đánh chặn tại Ba Lan để phòng thủ chống lại các cuộc tấn công từ Iran. Nga kiên quyết phản đối kế hoạch này vì cho rằng nó dọa đến an ninh nước Nga và cân bằng lực lượng chiến lược tại châu Âu.

Khi đó, Nhà Trắng cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát triển một phương pháp thích hợp, theo 4 giai đoạn cho hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.

Giai đoạn 1 (trước năm 2011), Mỹ tính toán triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có, “bao gồm cả Hệ thống tên lửa Aegis trang bị trên tàu chiến, tên lửa đánh chặn SM-3, và các hệ thống cảm biến như hệ thống Radar giám sát di động dành cho Lục Quân và Hải quân.

Trong giai đoạn 2 (trước năm 2015), các phiên bản hệ thống phòng thủ trên biển và trên đất liền có nhiều khả năng hơn tên lửa đánh chặn SM-3 và các radar hiện đại hơn cũng sẽ được triển khai.

Giai đoạn 3 dự kiến sẽ được tiến hành trước năm 2018, giai đoạn 4 cũng sẽ được triển khai trước năm 2020, khi đó Mỹ sẽ chủ yếu phát triển và triển khai các tên lửa đánh chặn và các radar có khả năng chống lại các tên lửa tầm trung và các tên lửa đạn đạo liên lục địa tốt hơn.

(Nguồn: thongtinnhanh )