Nga chế tạo smartphone chỉ để làm chính trị
MTS GLONASS 945 chỉ đơn giản là một chiếc smartphone thông thường hay là một phần trong kế hoạch tuyên truyền chính trị của nước Nga?

Khi smartphone MTS GLONASS 945, sử dụng hệ điều hành Android, được tung ra thị trường vào tháng 4/2011, nhiều người đã nói rằng đó là “câu trả lời của nước Nga dành cho iPhone”.

Tuy nhiên, smartphone đầu tiên trên thế giới hỗ trợ cả hai hệ thống định vị vệ tinh GPS (Mỹ phát triển) và Glonass (Nga phát triển) này lại không gây được nhiều ấn tượng với người tiêu dùng.

Một số người lý giải nguyên nhân là do nó có giá thành quá cao, khoảng 237 bảng Anh; số khác thì cho rằng những khách hàng bình thường không cần tới nhiều công nghệ định vị như vậy.

Tuy nhiên, sự ra đời của MTS GLONASS 945 nhằm phục vụ cho một mục đích quan trọng - chứng minh hiệu quả hoạt động của Glonass. 

Mục đích ra đời của MTS GLONASS 945

Sau nhiều thập kỷ phát triển, hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu Glonass của Nga đã bắt đầu được sử dụng cho các mục tiêu quốc gia. Xe cảnh sát, xe cứu thương và các phương tiện vận chuyện công cộng đã được trang bị hệ thống định vị này.

Sự ra đời của smartphone MTS GLONASS 945 là một phần trong chiến lược thừa nhận rộng rãi vai trò và khả năng của hệ thống Glonass.

MTS GLONASS 945, smartphone đầu tiên trên thế giới hỗ trợ cả GPS và Glonass. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, người tiêu dùng đã đáp lại kỳ vọng của các nhà hoạch định chiến lược bằng một thái độ thờ ơ.

Theo chuyên gia phân tích Eldar Murtazin của Mobile Research Group, mục đích ra đời của smartphone MTS GLONASS 945 hoàn toàn không có sự quan tâm đến mục đích của những người tiêu dùng bình thường, bởi lẽ trên thị trường hiện nay có nhiều loại điện thoại chỉ hỗ trợ GPS với giá thành rẻ hơn rất nhiều.

Theo ông Murtazin thì: Điểm mấu chốt là người tiêu dùng không quan tâm chiếc điện thoại của mình sử dụng GPS hay GPS-Glonass. Bởi chỉ cần có một trong hai hệ thống là họ có thể định vị tọa độ mình muốn, vậy tại sao họ lại phải trả thêm tiền?”

Giá của Smartphone MTS GLONASS 945 đắt hơn so với những gì mà nó thực sự mang tới cho những khách hàng bình thường. Ảnh: Getty.

Ông Murtazin cũng đưa ra dẫn chứng rằng phiên bản smartphone Vodafone 945 ở châu Âu chỉ hỗ trợ GPS có giá thành bằng một nửa so với MTS GLONASS 945: “Sẽ thật sai lầm nếu như giá của nó tăng gấp đôi chỉ vì được bổ sung Glonass. Bởi lẽ hệ thống này cũng không mang lại bất kì lợi thế rõ rệt gì cho khách hàng trong công việc hay cuộc sống hàng ngày của họ.”

Thế nhưng, chuyên gia Valeriya Kuzmenko của hệ thống mạng điện thoại MTS không đồng ý với những quan điểm của Murtazin. Bà cho rằng Glonass giúp định vị tọa độ chính xác hơn và điều này đặc biệt quan trọng ở những khu vực phức tạp như trong thành phố, nơi có rất nhiều tòa nhà, cũng như trong các khu rừng rậm.

Ngoài ra, thiết bị có hệ thống định vị kép khởi động nhanh gấp đôi so với thiết bị đơn hệ thống, đây là một điểm có lợi khi người dùng thường phải thay đổi vị trí đột ngột. Về vấn đề giá cả, bà Kuzmenko cho rằng đó là giá thành trung bình đối với một chiếc smartphone có công nghệ tương tự.

Tuy nhiên, hệ thống cửa hàng bán lẻ điện thoại lớn nhất nước Nga, Digital Centre ION, đã nói “không” với loại smartphone mới này. Lý giải về quyết định này, ông Dmitry Khovansky, chuyên gia PR của ION, cho hay: “Khách hàng mua điện thoại trong khoảng giá với MTS GLONASS 945 thường lựa chọn các thương hiệu như Samsung hay LG. Loại smartphone mới này có giá quá đắt so với những gì mà nó có thể mang lại.”

Cũng theo ông Khovansky, sự ra đời của loại smartphone này chỉ nhằm chứng tỏ lòng trung thành với công nghệ quốc gia của nước Nga. Tuy nhiên, ông cũng tin rằng trong tương lai mọi thứ sẽ thay đổi, nếu như chip định vị của Glonass được chế tạo với giá thành rẻ hơn.

Glonass chuẩn bị "bành trướng" trên toàn thế giới

Theo tuyên bố của AFK Sistema, công ty truyền thông cho Glonass, nhiều thương hiệu sản xuất điện thoại di động lớn trên thế giới đã đạt được những đàm phán với đại diện của Nga về việc sản xuất hàng loạt các thiết bị cầm tay hỗ trợ hệ thống định vị kép.

Trong thực tế, chẳng bao lâu nữa nhiều hãng điện thoại trên thế giới sẽ phải bán các sản phẩm tương thích với hệ thống Glonass của Nga. Bằng định hướng phát triển như vậy, Glonass sẽ nhanh chóng vươn ra với thế giới và nó sẽ là một quân cờ chính trị chiến lược của nước Nga.

Hệ thống định vị toàn cầu Glonass đang nhận được nhiều sự quan tâm và mong muốn hợp tác trên toàn thế giới. Ảnh: Getty

Mặc dù hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng Glonass là một đối thủ thách thức tính độc quyền của GPS trên toàn thế giới, nhưng các quan chức Nga đã phủ nhận điều này. Họ cho rằng Glonass là một sự bổ sung hợp lí cho GPS, giúp nâng cao độ chính xác và tin cậy của các tín hiệu định vị.

Phía Nga cho biết thêm, trong tương lai họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Galileo của Liên minh châu Âu và Compass của Trung Quốc khi hai hệ thống định vị này được xây dựng xong.

Hiện tại, trên bình diện quốc tế, chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng của Glonass đã đạt được một số dấu ấn đáng ghi nhận.

Mạng lưới vệ tinh quốc gia của Thụy Điển, SWEPOS, đã quyết định sử dụng hệ thống Glonass. Họ cho biết rằng, hệ thống định vị của Nga tốt hơn GPS trong khu vực vĩ tuyến Bắc và sử dụng thiết bị hỗ trợ hệ thống định vị kép sẽ hiệu quả hơn hỗ trợ đơn hệ thống.

Có khoảng 90 % khách hàng của SWEPOS đang sử dụng đồng thời cả hai hệ thống định vị GPS-Glonass.

(Nguồn: Hoàng Nguyên (theo BBC) )