Các nhà khoa học đang cố gắng xác định màu da và giải thích lý do vì sao các hóa thạch da khủng long vẫn “sống sót”, mặc dù 70 triệu năm đã trôi qua.
Các mẫu da khủng long và nhà nghiên cứu may
mắn Mauricio Barbie. (Ảnh: extranotix.blogspot.com)
Nhà vật lý Mauricio Barbie, Trường Đại học Regina (Canada) cho biết ông đã may mắn tìm thấy dưới đáy một dòng sông cổ đại gần thành phố Grand Prairie, tỉnh Alberta một số di tích của loài khủng long mỏ vịt (hadrosaurus) sống vào thời kỳ cuối kỷ Phấn Trắng (100- 65 triệu năm trước). Tuy đã biến thành hoá thạch nhưng di tích được bảo quản rất hoàn hảo mà ông chưa hiểu lý do vì sao.
“Khi chúng tôi đào bới thấy nó, tôi nghĩ ngay rằng đó là đó là một mẩu da. Sau đó, tự nhiên một mảnh rơi ra và quả nhiên đó là da thật. Tất cả những người tham gia khai quật đều vô cùng mừng rỡ và bắt đầu thảo luận các bước tiếp theo", Barbie nói.
Theo ông Barbie, đây là mảnh da khủng long thứ ba khoa học biết đến. Về mặt lý thuyết, nó sẽ kể lại với chúng ta không chỉ hình dạng bên ngoài của loài khủng long, mà còn về cách sống của chúng nữa.
Trong các tài liệu hiện nay, người ta thường mô tả khủng long có da màu xám hoặc xanh lá cây nhạt, song rất có thể là chúng còn có những màu sắc khác nữa. Nếu chứng minh được điều này, có thể làm sáng tỏ các tế bào sắc tố nào quyết định màu da của con vật, từ đó sẽ biết được loài khủng long nào có màu gì. Cho đến nay, công nghệ này mới được sử dụng để khôi phục lại màu sắc của các lông vũ.
Sử dụng bức xạ ở khoảng giữa của tia hồng ngoại, Barbie và các đồng nghiệp đang tìm kiếm dấu vết của các chất hữu cơ và vô cơ nhằm xác định chế độ ăn uống của các loài khủng long, và tìm hiểu vì sao các mẫu họ tìm được hầu như không bị ảnh hưởng do các tác động của điều kiện ngoại cảnh. Vì các liên kết hóa học của các hợp chất đều được phản ánh trên tia bức xạ nên người ta cũng biết rằng trong da khủng long có chứa protein, carbohydrat, chất béo…