Vương quốc Maya ở vùng Trung Mỹ khi xưa trải rộng trên diện tích các nước mà ngày nay là Mexico, Belize, Guatemala và Honduras.
Vương quốc Maya đã có mức độ phát triển đáng kinh ngạc: cấu trúc xã hội tinh vi, phức tạp, người dân biết phát triển nông nghiệp, biết tính toán lịch, xây dựng nên những công trình kim tự tháp đồ sộ, biết sáng tạo nghệ thuật và buôn bán thông thương khắp vùng Trung Mỹ…
Xã hội này phát triển rất hưng thịnh cho tới khi những trận hạn hán kéo dài bắt đầu diễn ra vào khoảng năm 800-1100 sau Công nguyên. Theo phát hiện mới nhất của giới khoa học, đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự sụp đổ của nền văn minh Maya.
Các nhà khảo cổ học đến từ trường Đại học bang Pennsylvania của Mỹ đã áp dụng phương pháp tính toán hiện đại để xác định lượng mưa trong thời kỳ tồn tại nền văn minh Maya. Những thông số này có thể được tính toán dễ dàng dựa trên những măng đá cổ nằm trong các hang động.
Đối chiếu với những sử liệu được người Maya ghi lại bằng cách khắc thông tin lên các bức tượng đá, các nhà khoa học có thể kết luận rằng những thay đổi đột biến về thời tiết xảy ra trùng khớp với thời kỳ diễn ra những cuộc chiến tranh, xung đột. Những điều này kết hợp lại đã dẫn tới sự bất ổn và sụp đổ của nền văn minh Maya.
Trước đó, khi cuộc sống của người Maya còn thịnh vượng, lượng mưa đều đặn từng giúp họ có mùa màng tươi tốt, dân cư mở rộng theo chiều dài của những con sông, con suối. Nhưng khi hạn hán kéo dài xảy ra, vương quốc Maya bắt đầu suy yếu.
Theo những gì mà người Maya ghi chép trên những tượng đài bằng đá, chiến tranh đã xảy ra trong khoảng thời gian từ năm 660-900 sau Công nguyên. Đây cũng chính là thời kỳ hạn hán bắt đầu diễn ra nghiêm trọng.
Sự hưng thịnh rồi suy vong của nền văn minh Maya là một ví dụ điển hình cho một cộng đồng người đã thất bại trong quá trình thích nghi với những biến đổi của khí hậu.
Khi mưa thuận gió hòa còn giúp năng xuất nông nghiệp của người dân Maya ổn định, họ phát triển nhanh chóng, nhưng khi khí hậu thay đổi, ngay lập tức tình hình chính trị trở nên bất ổn và sự thịnh vượng trong xã hội cũng nhanh chóng biến mất.
Sau gần một thế kỷ chống chọi với cơn hạn hán kinh niên và những cuộc chiến tranh làm kiệt quệ đất nước, nền văn minh Maya đã chính thức bị “xóa sổ” trong khoảng năm 1020-1100.
Việc nghiên cứu nền văn minh Maya được coi là một bài học lịch sử quý báu về mức độ “mong manh” của một chế độ chính trị, một nhà nước, một xã hội… trước sự vận động biến thiên không ngừng của những yếu tố khách quan trong giới tự nhiên.