Cú bay gần Trái đất nhất của thiên thạch xảy ra vào lúc 2h25 sáng 16-2 theo giờ Việt Nam (19h25 ngày 15-2 theo giờ quốc tế). Thời điểm này, nhiều khu vực đang chìm trong bóng tối nhưng người dân ở những khu vực này có thể quan sát được thiên thạch qua ống nhòm loại xịn hoặc kính thiên văn. Nơi thiên thạch bay ngang là phía đông Ấn Độ Dương, được quan sát rõ nhất ở Đông Âu, châu Á và Úc.
NASA tường thuật trực tiếp sự kiện này trên Internet từ 19h ngày 15-2 theo giờ quốc tế. Theo BBC, 2012 DA14 bay ngang Trái đất ở khoảng cách gần hơn cả các vệ tinh địa tĩnh đang quay quanh Trái đất nhưng không có nguy cơ gây ra va chạm. 2012 DA14 được các nhà thiên văn học ở Tây Ban Nha phát hiện lần đầu vào tháng 2-2012. Nó quay quanh Mặt trời theo chu kỳ 368 ngày, tương tự như chu kỳ năm của Trái đất, nhưng không trên cùng đường quay với Trái đất. Theo Daily Mail, qua quan sát, các nhà thiên văn đã tính được đường đi trong tương lai của nó và đúng dự đoán lần ngang qua gần nhất với trái đất của nó vào ngày thứ sáu 15-2. Cũng theo các nhà thiên văn phải 30 năm nữa 2012 DA14 mới lại tiến gần đến trái đất như vậy.
Theo các nhà khoa học thì sự kiện thiên thể 2012 DA 14 bay ngang qua Trái đất không liên quan tới vụ khu vực Urals miền Trung nước Nga trưa ngày 15-2 vừa hứng một trận mưa thiên thạch. Các chỉ số ban đầu về đường đi của thiên thạch cho thấy hai sự kiện này hoàn toàn không liên quan tới nhau và chỉ là “sự trùng hợp của vũ trụ”, theo như chuyên gia Alan Fitzsimmons, đại học Queens Belfast đánh giá.
Tuy nhiên, những chi tiết mới nhất về khối thiên thạch rơi xuống nước Nga đang dần được hé lộ. Theo tính toán của Viện hàn lâm khoa học Nga, viên thiên thạch rơi xuống vùng Chelyabinsk đã lao vào bầu khí quyển Trái đất với vật tốc ít nhất khoảng 54.000 km/giờ. Trong khi đó Cơ quan không gian liên bang Nga (Roscosmos) khẳng định vận tốc của thiên thạch là 30 km/giây, tương đương 108.000 km/giờ. NASA ước tính, tảng thiên thạch này nặng khoảng 7000 tấn và sức công phá trong vụ nổ nó tạo ra tương đương 20 quả bom nguyên tử. Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, sức công phá của vụ nổ thiên thạch mạnh đến nỗi 11 trong tổng số 45 trạm hạ âm của mạng lưới theo dõi các vụ thử hạt nhân toàn cầu của CTBTO - Tổ chức hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, đã ghi nhận được vụ nổ.
Một thiên thạch được nhiều nhà khoa học tin rằng đã gây nên sự tuyệt chủng của loài khủng long. Giả thuyết này cho rằng, khoảng 65 triệu năm trước, một tảng thiên thạch với đường kính khoảng 6 dặm đã đâm vào trái đất, tạo nên một hố lõm sâu khoảng 110 dặm và thổi hàng tấn bụi đất vào bầu khí quyển. Các nhà khoa học tin rằng vụ va chạm khủng khiếp này đã tạo ra nhiều trận sóng thần, hỏa hoạn, mưa axít, và thậm chí đã che phủ ánh mặt trời trong nhiều tháng liền. Chuỗi thức ăn bị phá vỡ, và hậu quả tất yếu là sự diệt chủng của loài khủng long.
Còn thiên thạch Vredefort Dome tại Nam Phi với kích thước khoảng 186 dặm (khoảng 300 km), là tảng thiên thạch lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Và với tuổi ước tính vào khoảng 2 tỷ năm. Với kích thước chỉ xếp thứ 2 sau thiên thạch Vredefort Dome, Sudbury Basin dài khoảng 64 km, rộng khoảng 30 km, và để lại một hố sâu khoảng 15km. Theo nhiều nhà khoa học, vụ va chạm thiên thạch này đã xảy ra vào khoảng 1.85 tỷ năm trước tại Sudbury, Ontario, Canada, và giờ đây, vùng này đã là nhà ở của khoảng 162.000 người.
Thời gian gần đây, giới khoa học Nga cho biết, trong hai thế kỷ 19 và 20, trên thế giới và ở Nga đã có hàng trăm trận mưa thiên thạch, nhưng thường xảy ra vào ban đêm và không gây thiệt hại lớn về người và của.
|