Gián phát sáng để đánh lừa kẻ thù
Các nhà sinh học vừa phát hiện một loài côn trùng phát sáng. Đó là loài gián huỳnh quang, dùng ánh sáng của mình để đánh lừa các côn trùng ăn thịt.

Loài côn trùng mới này được đặt tên khoa học là Lucihormetica luckae sống tại các vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Một trong các đại diện của nó được tìm thấy từ năm 1939 tại Ecuador nhưng chưa được mô tả tỉ mỉ và hiểu biết về chúng chưa rõ ràng.

Hình ảnh loài gián phát sáng mới được phát hiện.
Hình ảnh loài gián phát sáng mới được phát hiện.

Loài gián mới được phát hiện sống tại vùng xưa kia là miệng núi lửa và được nghiên cứu kỹ trên kinh hiển vi điện tử huỳnh quang. Ánh sáng chúng phát ra là do những phản ứng sinh hoá xảy ra trong cơ thể chúng. Đó là hiện tượng khá hiếm hoi chỉ có ở một nhóm nhỏ côn trùng, một số sâu đất và điển hình nhất là ở loài đom đóm.

Các nhà khoa học cho rằng gián bắt chước cách phát sáng ở những người láng giềng chung sống trong các khu rừng nhiệt đới là loài bọ cánh cứng có tên khoa học là Pyrophorus, dùng chất độc tiết ra làm vũ khí chống lại kẻ thù. Chúng phát ra ánh sáng như những tín hiệu cảnh báo côn trùng ăn thịt chớ đến gần.

Gián không có nọc độc làm vũ khí, đành phải mạo danh anh bạn láng giềng phát sáng cùng sắc độ và nhấp nháy cùng tần số, lợi dụng uy danh của bọ cánh cứng để hù doạ những côn trùng ăn thịt.

Trong thế giới côn trùng đa số chưa được mô tả kỹ. Hiện nay người ta đã biết đến trên một triệu loài và ước tính còn khoảng 2 triệu loài vẫn chưa được phát hiện. Gần đây các nhà côn trùng học đã tìm thêm được một loài mới là ong mắt vàng song mới chụp được ảnh mà chưa có điều kiện nghiên cứu cụ thể.

Công trình công bố trên Tạp chí Naturwissenschaften, và tóm tắt trên trang mạng ScienceNow.

(Nguồn: khoa hoc )