Tin nhắn có thể làm hỏng ngôn ngữ
Khả năng viết câu đúng ngữ pháp của thiếu niên giảm nếu các em nhắn tin bằng điện thoại quá nhiều.

Khi nhắn tin bằng điện thoại di động, nhiều thiếu niên sử dụng từ viết tắt, câu rút gọn, tiếng lóng hoặc bỏ những chữ không cần thiết để tiết kiệm thời gian hoặc thể hiện sự “sành điệu”. Chẳng hạn, học sinh ở Mỹ thường dùng “gr8” thay cho “great”, hay rút gọn “would” thành “wud”.

Do tư duy bị chi phối bởi những câu, từ rút gọn trong tin nhắn SMS, nhiều học sinh có xu hướng viết câu sai ngữ pháp trong quá trình học tập.
Do tư duy bị chi phối bởi những câu, từ rút gọn trong tin nhắn SMS, nhiều
học sinh có xu hướng viết câu sai ngữ pháp trong quá trình học tập.

Để tìm hiểu tác động của thói quen nhắn tin trên điện thoại đối với khả năng ngôn ngữ, Drew Cingel, một nhà nghiên cứu của Đại học Northwestern tại Mỹ, đề nghị một nhóm học sinh trung học cơ sở tại bang Pennsylvania hoàn thành một bài kiểm tra ngữ pháp. Sau đó ông yêu cầu nhóm học sinh điền vào một phiếu điều tra về số lượng tin nhắn mà họ gửi và nhận mỗi ngày, quan điểm của họ về tầm quan trọng của tin nhắn, số lượng những từ viết tắt trong ba tin nhắn mới nhất mà họ nhận hoặc gửi, Livescience cho biết.

Kết quả của bài kiểm tra và cuộc khảo sát cho thấy mối liên hệ giữa kỹ năng ngôn ngữ và mức độ nhắn tin. Số lượng câu, từ bị rút gọn trong tin nhắn mà học sinh nhận hoặc gửi càng nhiều thì điểm ngữ pháp của họ càng thấp. Thực trạng này cho thấy học sinh chịu ảnh hưởng từ những thông điệp sai ngữ pháp mà các em tạo ra hoặc đọc hàng ngày.

“Nói cách khác, nếu bạn gửi cho một đứa trẻ tin nhắn với nhiều từ viết tắt, rất có thể đứa trẻ sẽ bắt chước cách viết đó. Hành vi bắt chước sẽ tác động tới các kỹ năng ngôn ngữ của trẻ, như kỹ năng dùng từ và viết câu đúng ngữ pháp”, S. Shyam Sundar, người cùng thực hiện nghiên cứu với Cingel, phát biểu.

(Nguồn: VNE, Livescience )