Lý giải nguyên nhân của nhiều cái chết bất thường
Sau khi bắt giữ một người đàn ông 30 tuổi có hành vi bạo lực, vô cớ tấn công nhiều người xung quanh, cảnh sát tiểu bang North Carolina (Mỹ) liền đưa anh ta đến phòng cấp cứu thay vì trại giam khi nhận thấy những triệu chứng bất thường như tinh thần bị kích thích cao độ, tâm lý không ổn định, luôn trong tình trạng lo âu với những câu nói vô nghĩa.


Căng thẳng, lo lắng, nói năng lảm nhảm, la hét và đổ mồ hôi đầm đìa là những dấu hiệu của trạng thái “mê sảng kích thích”
Căng thẳng, lo lắng, nói năng lảm nhảm, la hét và đổ mồ hôi 
đầm đìa là những dấu hiệu của trạng thái “mê sảng kích thích”

Theo báo cáo được công bố vào ngày 4/6 vừa qua trên tạp chí Y khoa Khẩn cấp, phía cảnh sát cho biết người đàn ông này có “hành động rất kỳ lạ” kèm theo “căng thẳng, lo lắng, nói năng lảm nhảm, la hét và đổ mồ hôi đầm đìa”.

Tiến hành phân tích, nhóm bác sĩ tại Trung tâm Y tế Baptist Đại học Wake Forest ở Winston-Salem đã đưa ra kết luận về một trạng thái gọi nôm na là “mê sảng trong tình trạng bị kích thích”. Bên cạnh đó, anh ta còn mắc hội chứng kỳ lạ mang tên QT kéo dài (Long QT) - loại rối loạn nhịp tim khiến tim đập với tốc độ nhanh - chậm thất thường, khả năng dẫn đến những cái chết đột ngột. Tuy nhiên, nó hoàn toàn có thể được điều trị thành công với chất lưu và hợp chất bicarbonate natri (NaHCO3).

Như vậy, không chỉ cứu sống tính mạng một con người, các nhà khoa học còn làm sáng tỏ được nghi vấn xung quanh hiện tượng lạ từng là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết rất khó giải thích.

“Tại sao có những người đang bình thường bỗng trở nên điên loạn, kích động, bạo lực rồi không lâu sau thì tử vong? Điều này đã xuất hiện và được đưa ra bàn luận trong hơn một thế kỷ qua, nhưng giới khoa học vẫn chưa thể trả lời rõ ràng cho đến nghiên cứu gần đây”, Tiến sĩ William Bozeman phát biểu.

“Mê sảng kích thích”, ông nói, “thực sự có khả năng phát triển thành hội chứng QT kéo dài và đây dường như là hệ quả của việc sử dụng bừa bãi các chất ảnh hưởng đến hệ thần kinh như cần sa, ma túy mà trường hợp được đề cập đến ở trên là một ví dụ điển hình”.



(Nguồn: Theo Đất Việt, Livescience )