Chuyện rùng rợn về những cuốn sách bọc da người
Đó là những cuốn sách bìa bóng, màu nâu vàng, trông rất giống da thuộc.
Sự trừng phạt ghê rợn

Năm 1605, linh mục Henry Garnet bị bắt vì tội âm mưu lật đổ Thượng viện Anh, giết vua James Đệ nhất. Mặc dù nhiều người tranh cãi rằng ông chỉ biết được kế hoạch này thông qua những lời xưng tội của con chiên và buộc phải giữ bí mật theo đúng nguyên tắc, song cuối cùng ông không thể thoát khỏi án tử hình.
 
Sau khi Henry Garnet bị treo cổ, vua James Đệ nhất đã sai người lột da vị linh mục này để làm bìa cuốn sách “A True and Perfect Relation of the Whole Proceedings against the Late Most Barbarous Traitors, Garnet a Jesuit and his Confederats” (tạm dịch: Sự thật xung quanh phiên toà xét xử những kẻ phản quốc man rợ nhất - tên thầy tu dòng Tên Garnet và bè lũ của hắn) như là một cách răn đe dân chúng.

Lột da người để bọc sách (Anthropodermic bibliopegy) là một tập tục bắt nguồn từ các nghi lễ trừng phạt thời cổ đại. Tù nhân bị kẻ bắt giữ mình lột da cho tới chết. Da và những bộ phận khác trên cơ thể họ được sử dụng như một minh chứng cho chiến công của kẻ chiến thắng. Việc bảo quản da người thậm chí còn được cho là mốt trong thời kì đó.
Cuốn sách đóng bằng da của linh mục Garnet
Cuốn sách đóng bằng da của linh mục Henry Garnet

Tập tục này đã trở nên phổ biến vào khoảng thế kỉ thứ 17, 18. Người ta tin rằng lấy chính da của kẻ tử tù làm bìa cho các cuốn sách về tội danh mà chúng gây ra sẽ tăng thêm sự khinh bỉ, nhằm cảnh báo kẻ dám cả gan nghĩ tới việc vi phạm pháp luật.

Bảo tàng Surgeons’ Hall tại Edinburg (Scotland) hiện vẫn lưu giữ một cuốn sách bỏ túi đã cũ, bìa màu nâu đậm ngả sang đen với dòng chữ “Hành quyết ngày 28/1/1829” và “Sách bỏ túi làm bằng da của Burke”. Đó là kẻ đã đánh thuốc mê và giết hại 16 mạng người chỉ để bán thi thể họ cho nhà giải phẫu Robert Knox. Sau khi bị treo cổ, Bruke đã bị lột da để đóng cuốn sách ghi tội trạng của chính mình.

Đức Quốc xã cũng từng bị cho là đã  sử dụng hình phạt ghê rợn này đối với nạn nhân Do Thái trong các cuộc tàn sát của mình.  

Lòng kính trọng

Trang cuối cùng của "Practicarum quaestionum circa legas regias Hispaniae", một cuốn sách về luật pháp Tây Ban Nha thế kỉ 17, viết: “Tất cả bìa của cuốn sách này được lấy từ người bạn của tôi, Jonas Wright, người đã bị Wavuma (một bộ tộc ở châu Phi) lột da khi còn sống vào ngày 4/8/1632. Vua Btesa đã đưa cho tôi cuốn sách, nó là một trong những tài sản quan trọng nhất của Jonas xấu số, cùng mẩu da của cậu ấy để đóng bìa cho nó. Hãy yên nghỉ nhé!”. Cuốn sách trở thành hiện vật tưởng nhớ cuộc đời và cái chết của một người bạn người đóng sách.

Trong nhiều trường hợp, việc lấy da người để làm bìa mang một ý nghĩa trái ngược so với tập tục ban đầu. 

Bác sĩ John Stockton Hough là người chẩn đoán ca mắc giun tóc đầu tiên tại Philadelphia (Mỹ). Để kỉ niệm sự kiện quan trọng đó, ông đã lấy da của chính bệnh nhân này làm bìa cho các cuốn sách của mình. Rất nhiều sách về giải phẫu học cũng sở hữu loại bìa đặc biệt này.
Cuốn sách đóng bằng da của George Walton
Cuốn sách đóng bằng da của George Walton

Theo bà Laura Hartman, người lập danh mục sách hiếm tại Thư Viện Y học quốc gia ở Maryland (Mỹ), bác sĩ làm vậy để tôn vinh những người có đóng góp cho việc nghiên cứu y học.

Cũng giống như da động vật, lớp chân bì của da người cũng có thể xử lí và thuộc lại. Nó sẽ trở thành vật liệu khá bền và lí tưởng để đóng bìa sách. Người ta còn có thể nhuộm màu hoặc chạm khắc lên đó tùy ý.

Chất lượng cũng như cuộc đời thường khá dài của sách khiến cho nhiều người lựa chọn cách bị lột da để được tiếp tục sống, dù theo một cách khác. Họ tự nguyện hiến da sau khi chết với mong muốn giữ cho những kí ức về mình sẽ còn sống mãi.

Tới nay, bảo tàng The Boston Athenaem vẫn còn lưu giữ tự truyện năm 1837 có tựa đề "The Highwayman: Narrative of the Life of James Allen alias George Walton” (Kẻ cướp đường: Câu truyện cuộc đời của James Allen, biệt danh George Walton) của tên cướp khét tiếng George Walton. Tên cướp này đã yêu cầu rằng sau khi chết, da mình sẽ được lấy làm bìa cuốn sách này và tặng riêng nó cho John A.Fenno. Sự dũng cảm chống cự của Fenno khi bị cướp thực sự ấn tượng tới mức Walton đã phải dành món quà đặc biệt cho một trong những nạn nhân của mình.
(Nguồn: Bee )