Tổ tiên bí mật của loài người
Vừa xuất hiện chứng cứ mới cho thấy người Lucy cùng chia sẻ tại Đông Phi với một giống người tiền sử khác, với nơi cư trú ưa thích là trên cây.


Mẩu chân có thể thuộc về tổ tiên chưa từng được biết của loài người
Ảnh: Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Cleveland

Mẩu xương chân cổ đại được phát hiện tại Ethiopia cho thấy sự tồn tại của một tổ tiên người chưa từng được biết đến trước đây, với bàn chân được cấu tạo đặc biệt để thích ứng với những hành động leo trèo cây cối. Đài Fox News dẫn lời các nhà nghiên cứu Mỹ và Ethiopia cho biết phần bàn chân 3,4 triệu năm tuổi được tìm thấy tại Burtele, khu vực xa xôi và hẻo lánh ở Ethiopia, thuộc về một dạng người tiền sử hiện diện đồng thời với người “Lucy”, tên khoa học là Australopithecus afarensis.

Giới khoa học từ lâu luôn tranh cãi về chuyện làm sao chỉ có một giống người tiền sử duy nhất trong vòng từ 3 đến 4 triệu năm trước, nhưng phải đến khi phát hiện được xương chân ở Burtele, họ mới nắm được bằng chứng vững chắc rằng phải có ít nhất 2 giống người tiền sử với những hình thái chuyển động khác nhau sinh sống cùng thời tại Đông Phi. Nghiên cứu được đăng tải trên chuyên san Nature, đưa ra giả thuyết mới rằng trong khi giống người tạm gọi là Burtele có thể đi thẳng như dòng họ của Lucy, cấu trúc ngón chân cho thấy chủ nhân của chúng phải thông thạo chuyện leo trèo và chuyền từ cành cây này sang cành khác.

Các chuyên gia hy vọng hóa thạch trên sẽ cung cấp cho giới khoa học một cái nhìn toàn cảnh, rõ ràng hơn về sự tiến hóa của bàn chân linh trưởng và làm sao con người tách khỏi các nhánh họ hàng còn lại để phát triển riêng biệt như ngày nay. Đồng tác giả cuộc nghiên cứu là tiến sĩ Bruce Latimer của Đại học Case

Western Reserve ở Cleveland (Mỹ) phấn khởi chia sẻ rằng giờ đây đã có chứng cứ cho thấy sự thích ứng để trở thành động vật 2 chân trên cạn không phải là sự kiện đơn lẻ. “Thay vào đó, một nhóm (giống người Lucy) hoàn toàn từ bỏ lối sống trên cây và trở thành những kẻ đi bộ đường dài trên cạn, trong khi nhóm còn lại, với đại diện là bàn chân Burtele, duy trì bàn chân leo trèo và cố gắng bám trụ, ít nhất trong một khoảng thời gian trên cây. Và bây giờ rõ ràng là nhóm nào đã thành công”, ông Latimer nói.

Dù hết sức phấn khởi trước phát hiện mới nhất về cội nguồn loài người, tạm thời giới chuyên gia vẫn chưa thể đặt tên chính thức người Burtele cho đến khi tìm thấy hóa thạch xương sọ và răng của họ.

(Nguồn: TNO )