Giải mã những mẩu xương người bí ẩn tại Trung Quốc
Những mẩu xương người hóa thạch lạ mà các nhà khoa học tìm thấy ở miền nam Trung Quốc có thể là di cốt của một chủng người mới từng sống cùng người hiện đại cách đây hơn 11.000 năm.

Vài năm trước các nhà khảo cổ phát hiện nhiều mảnh xương người trong hang Hươu Đỏ gần thành phố Mông Tự, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam và một bộ xương trong một hang khác ở huyện Long Lâm, thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây. Chúng là di cốt của ít nhất 5 người. Nhận thấy những mảnh xương có nhiều đặc điểm lạ, giáo sư Ji Xueping, một nhà nghiên cứu của Viện Di sản Văn hóa và Khảo cổ Vân Nam tại Trung Quốc, cùng các đồng nghiệp quốc tế quyết định tìm hiểu chúng, BBC đưa tin.

Các nhà khoa học tiếp tục khai quật tại Hang Hươu Đỏ ở Trung Quốc.
Các nhà khoa học tiếp tục khai quật tại Hang Hươu Đỏ ở Trung Quốc. (Ảnh: Darren Curnoe)

Những mảnh xương hóa thạch có niên đại từ 11.500 tới 14.500 năm. Như vậy, chúng là di cốt của những người từng sống chung lãnh thổ với những nông dân đầu tiên của Trung Quốc. Tuy hai nhóm xương được phát hiện tại hai địa điểm, song hộp sọ và răng của chúng có nhiều điểm chung. Vì thế nhóm nghiên cứu nhận định hai nhóm xương đều thuộc về một cộng đồng người. Song chúng lại có nhiều đặc điểm hoàn toàn khác với người hiện đại. Trên thực tế,“người Hang Hươu Đỏ” – tên mà nhóm nghiên cứu đặt cho những người từng sống trong hang Hươu Đỏ - là sự pha trộn giữa người hiện đại và một chủng người khác.

“Tập hợp hóa thạch này có thể là tàn dư của một chủng người mà chúng ta chưa từng biết. Chủng người đó tồn tại tới tận cuối thời kỳ băng hà cách đây 11.000 năm. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là di cốt của những người hiện đại. Họ từng di cư từ châu Phi để tới Trung Quốc, song gene của cộng đồng người đó không hiện diện trong người hiện đại ngày nay”,Livescience dẫn lời Darren Curnoe, một nhà nhân chủng học của Đại học New South Wales tại Australia. Curnoe là một thành viên trong nhóm nghiên cứu những hóa thạch trong hang Hươu Đỏ.

Chân dung người Hang Hươu Đỏ do nhóm nghiên cứu phục dựng từ những mảnh xương ở miền nam Trung Quốc.
Chân dung người Hang Hươu Đỏ do nhóm nghiên cứu
phục dựng từ những mảnh xương ở miền nam Trung Quốc.

Nhìn chung, người Hang Hươu Đỏ có hộp sọ tròn với những gờ trán khá rõ. Xương sọ của họ tương đối dày, còn mặt khá ngắn và phẳng. Mũi của họ rộng hơn mũi người hiện đại. Hai hàm răng của họ nhô ra phía trước song họ không có cằm. Các thùy não trước của họ giống người hiện đại song các thùy não trên đỉnh lại hoàn toàn khác biệt. Người Hang Hươu Đỏ cũng có răng hàm.

Ji, Curnoe cùng các đồng nghiệp đề ra hai giả thuyết trên tạp chí Plos One về nguồn gốc của cộng đồng người Hang Hươu Đỏ. Thứ nhất, họ chính là người hiện đại nhưng sống tách biệt với các cộng đồng người hiện đại khác trước khi tuyệt chủng. Theo giả thuyết thứ hai, họ là một chủng người đã tiến hóa ở châu Á và sống cùng người hiện đại.

Giả thuyết thứ ba, do các nhà khoa học không tham gia nghiên cứu đưa ra, cho rằng người Hang Hươu Đỏ là sản phẩm lai giữa người hiện đại và một chủng người cổ xưa nào đó.

Nhóm nghiên cứu sẽ cố gắng lấy DNA từ các mẩu xương để phân tích. Kết quả phân tích sẽ giúp họ xác định người Hang Hươu Đỏ chính là người hiện đại hay là sản phẩm lai giữa người hiện đại với một chủng người nào đó.

"Chúng tôi rất thận trọng trong việc phân loại người Hang Hươu Đỏ trong giai đoạn hiện nay. Một trong những khó khăn đối với quá trình phân loại là giới khoa học vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về người hiện đại. Định nghĩa về chính chúng ta là một vấn đề rất dễ gây tranh cãi", Curnoe phát biểu.

(Nguồn: VNE )