Trước
đây, các nhà khoa học tin rằng mọi người cảm thấy hành trình trở về nhà
gần hơn là do họ đã quen với lộ trình trong chiều đi. Tuy nhiên, nhóm
nghiên cứu thuộc trường Đại học Tilburg (Hà Lan) lại có cách giải thích
hoàn toàn khác.
Tờ Daily Mail dẫn lời tiến sĩ Niels van de Ven, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: “Mọi
người thường ước đoán quãng đường trong hành trình đi. Điều này khiến
mọi người luôn cảm thấy quãng đường rất xa. Tuy nhiên, trong hành trình
trở về, mọi người hình dung quãng đường cũng xa như vậy, nhưng thực tế
quãng đường ngắn hơn họ nghĩ”.
Các nhà khoa học đã tiến hành 3 nghiên
cứu khác nhau với 350 người tình nguyện. Những người tình nguyện được
yêu cầu thực hiện một hành trình bằng xe bus, đạp xe hay xem một đoạn
video một người đạp xe.
Kết quả, những người tình nguyện nghĩ
rằng hành trình trở về nhanh hơn trung bình 22% so với hành trình đi cho
dù chiều dài của hai hành trình là bằng nhau. Những người ban đầu cảm
thấy mệt mỏi vì hành trình đi quá dài thì họ càng cảm thấy hành trình
trở về ngắn hơn.
Trong khi đó, khi một nhóm người tình
nguyện được thông báo rằng hành trình sắp tới dường như rất dài, những
người này sau đó không cảm thấy quãng đường trở về gần hơn. Điều này
được các nhà khoa học giải thích là do những người tình nguyện đã ước
tính trước được thời gian di chuyển.