Tuần
qua, thông tin về các vụ cá mập tấn công gây chết người rộ lên trên các
phương tiện thông tin đại chúng. Một người đàn ông Anh đi hưởng tuần
trăng mật bị một con cá mập cắn chết ở Seychelles trước cặp mắt kinh
hoàng của người bạn đời. Ở Nga, cá mập đã cắn chết một bé trai 6 tuổi;
trước đó 1 ngày, một người đàn ông bị mất cẳng tay khi cố bảo vệ vợ khỏi
một con cá mập hung dữ. Một phụ nữ đi nghỉ mát ở Puerto Rico bị cá mập
tấn công khi đang bơi trong vịnh dành cho du khách ở khu Vieques của đảo
quốc này. Tổng cộng, có ít nhất 6 người chết và 7 người bị thương
trong các vụ tấn công của cá mập trong thời gian gần đây.
Cá mập bắt được ở vùng biển miền Trung Việt Nam - (Ảnh Đình Phú)
Theo các chuyên gia, có nhiều lý do dẫn
đến các vụ tấn công hàng loạt của cá mập, và tất cả đều liên quan đến
chính con người. Đầu tiên, có thể do con người có xu hướng phiêu lưu
vào những nơi trước đó không có sự hiện diện của họ. Theo hồ sơ của Bảo
tàng lịch sử thiên nhiên Florida thuộc Đại học Florida (Mỹ), sự gia tăng
số vụ cá mập tấn công không có nghĩa là loài cá này đột nhiên hung dữ
hơn trước, mà chỉ phản ánh xu hướng con người gia tăng thời gian ngâm mình dưới biển, vốn làm tăng nguy cơ đụng độ với cá mập.
Còn theo một chuyên gia về động vật hoang dã, các
vụ cá mập tấn công ngoài khơi bờ biển của Nga có thể do những dòng nước
ấm lên ở khu vực phía nam dưới tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. “Loài cá mập có thể di cư đến đó theo các quần thể cá hoặc mực ống”,
chuyên gia của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới Konstantin
Zgurovsky nói với đài phát thanh FM Kommersant. Chuyên gia Amy Wilkes
thuộc Công viên thủy sinh Sydney (Úc) thì cho rằng có thể thủ phạm những
vụ tấn công ở Nga và Seychelles không phải là cá mập “nhập cư”, mà là sinh vật tại chỗ “có thể sống ở những nhiệt độ khác nhau”.
Trong khi đó, chuyên gia David Jacoby
thuộc Hiệp hội Sinh học biển ở Plymouth (Anh), đưa ra những nguyên nhân
mang tính địa phương cho các vụ tấn công của cá mập. Ông đề cập đến 5 vụ
tấn công liên tiếp chỉ trong 1 tuần tại khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh ở
Ai Cập hồi tháng 12.2010. Nguyên nhân là một chiếc tàu chở gia súc đi
ngang qua khu vực đã ném xác cừu chết xuống biển và các công ty du lịch
địa phương nuôi cá mập để thu hút du khách.
Một lý do khác chưa được thẩm định là tác động của hoạt động đánh bắt quá mức đối với hành vi của cá mập. “Chúng
tôi biết những con vật này thuộc loại cơ hội, và chúng tìm đến nơi sẵn
có nguồn thực phẩm. Nguồn tài nguyên này di chuyển, và cá mập phụ thuộc
vào những luồng nước mang theo các mảng chứa chất dinh dưỡng”, một
chuyên gia cho biết. Cũng theo ông, không riêng cá mập mà tất cả những
con vật săn mồi ở biển khơi đều bị thu hút đến những nơi có nguồn thực
phẩm có sẵn.