Thế kỷ XXI có bao nhiêu nguyệt thực toàn phần?
Có khoảng 85 lần nguyệt thực toàn phần diễn ra trong toàn bộ thế kỷ XXI này (từ 2001 - 2100) - ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, CLB Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết.

Theo ông Tuấn, những số liệu đã được thống kê hiện nay cho thấy, lần nguyệt thực dài nhất là nguyệt thực toàn phần sẽ diễn ra vào tháng 7/2018 (chúng ta sẽ phải đợi 7 năm nữa để chứng kiến hiện tượng này).

Đối với nguyệt thực xảy vào rạng sáng ngày 16/6 này, bóng tối của Trái Đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt Trăng trong khoảng thời gian 100 phút, chỉ kém hơn khoảng 3 phút so với lần nguyệt thực diễn ra vào năm 2018.

Nguyệt thực toàn phần
Có thể quan sát nguyệt thực bằng mắt thường.

Tại Việt Nam, theo các tính toán của NASA: Nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu từ lúc 0 giờ 22 phút ngày 16/6/2011 khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất, nhưng Nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì Mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút. Thời điểm mà chúng ta nên bắt đầu quan sát là 1h22’, Mặt trăng sẽ bắt đầu vào vùng bóng tối của Trái đất bắt đầu giai đoạn nguyệt thực 1 phần, màu sắc của vùng bóng trái đất in trên mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần.

Nguyệt thực toàn phần sẽ bắt đầu vào lúc 2h22’. Toàn bộ mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 3h12’ cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ đồng rõ đẹp nhất.

Chúng ta sẽ tiếp tục quan sát được pha nguyệt thực toàn phần cho đến 4h02’. Sau đó trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi trăng ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 5h02’ và kết thúc nguyệt thực một phần.

Điều đặc biệt là trong năm 2011 sẽ có 2 nguyệt thực toàn phần có thể quan sát được ở Việt Nam. Vào chập tối ngày 10/12/2011, chúng ta sẽ lại thấy nguyệt thực toàn phần, tuy thời gian quan sát có thuận lợi hơn nhưng lần nguyệt thực toàn phần này chỉ kéo dài trong 52 phút.

(Nguồn: Khoahoc.com.vn )