Vì sao con người lại mọc sừng?
Hiện tượng “người mọc sừng” hẳn không còn xa lạ trong cuộc sống, với những trường hợp điển hình như: người bị mọc sừng trên đỉnh đầu, mọc sừng sau gáy, mọc sừng ở tai và thậm chí là mọc nhiều sừng. Nhìn chúng giống như chiếc móc câu hay cái cuống héo của quả bí ngô. Có một điểm chung nhất là sừng chỉ mọc trên những người lớn hoặc già, chứ không thấy xuất hiện trên trẻ em.


Những chiếc sừng cổ

Ngược về lịch sử xa xưa, hai nhân vật nổi tiếng mọc sừng được nhắc đến nhiều là Alexander Đại Đế (Hy Lạp) và Moss - lãnh tụ Do Thái. Không rõ thực hư thế nào, họ có sừng thật, hay lắp sừng giả để tạo uy phong, vì không có gì để kiểm chứng.

Vào thế kỷ 16, sách vở, tài liệu chính thống nhắc nhiều đến một người đàn ông có sừng nhô ra từ trán, giống hệt sừng tê giác. Người đàn ông này đã được bác sĩ Fabricius Hildanus, người Đức, phẫu thuật thành công chiếc sừng. Vị bác sĩ này miêu tả rất kỹ về nhân vật đó và chiếc sừng lạ. Ông còn vẽ lại nhân vật và chiếc sừng để nghiên cứu. 

Thế kỷ 17, nhà tự nhiên học Bartholinus, thuộc Viện Giải phẫu sinh lý Hà Lan, đã công bố công trình nghiên cứu về những người mọc sừng nổi tiếng. Ông ghi chép, miêu tả nhiều nhân vật mọc sừng như tê giác, bò tót. Ông còn nhắc đến một cụ bà, đã cắt chiếc sừng quý dài 30cm của mình để dâng tặng nhà vua. 

Trường hợp cổ nhất được lưu giữ lại là của bà Mary Davis, sống ở Saughall, Cheshire, Anh vào thế kỉ 17. Bà Davis mất năm 1688 ở tuổi 71 và “sở hữu” tới 4 chiếc sừng da (phần da thừa phát triển mọc ra thành sừng) trên cơ thể. Chiếc sừng duy nhất còn lại của bà Davis hiện được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng Công nghệ Jurassic ở thành phố Culver, California, Mỹ. Theo lời kể của một du khách thăm quan bảo tàng, chiếc sừng có màu đen, không quá dày cũng không quá cứng mà rất... cân đối. 

Có thời kỳ, ở châu Âu còn lên cơn sốt… sưu tập sừng người. Chỉ những người giàu có mới đủ tiền mua những chiếc sừng đã được phẫu thuật. Hiện Bảo tàng London, Anh vẫn còn trưng bày một chiếc sừng người dài 27cm, chu vi 7cm.

Người hiện đại cũng… mọc sừng

Không chỉ thời xa xưa mà ngay cả trong thời nay cũng không hiếm những trường hợp người mọc sừng gây sốc. Một trong những trường hợp đó chính là cụ bà Zhang Ruifang, 103 tuổi, sống khỏe mạnh ở vùng Lushan, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Hiện giờ cái sừng dài khoảng 6 cm. Người con trai 60 tuổi của cụ cho biết: “Ban đầu chiếc sừng giống như một mảnh da thô dày ở phía bên trái của trán. Khi đó, chúng tôi không để ý đến nhưng theo thời gian, nó ngày càng phát triển. Hiện tại, hình như có một thứ gì đó đang phát triển ở phía bên phải của trán, có lẽ đó là một chiếc sừng khác”. 

Tại vùng Shabwa, Yemen: Cụ ông Saleh Talib Saleh (81 tuổi), kể lại về quá trình mọc sừng trên phần đầu bên trái từ 25 năm nay. Khi ông 77 tuổi, ông đã bắt đầu cảm thấy một phần da đầu dày và cứng nhô lên một cách khác thường. Nhưng ban đầu những thay đổi này chưa làm ông bận tâm, thậm chí ông không cần dùng thuốc và để cho mảng da đầu kỳ lạ này phát triển tự nhiên. Tuy nhiên, sau rất nhiều năm “sống” trên đầu ông Saleh Talib Saleh, chiếc sừng đã bị gãy bởi càng mọc dài ra, phần gốc càng yếu và gây không ít khó khăn cho việc đi lại của ông, đặc biệt là lúc ông ngủ. Và điều kỳ diệu là ngay sau khi chiếc sừng cũ bị gãy, một chiếc khác đã mọc ra thay thế.

Ở Ấn Độ, cụ ông Abdul Razak - một cảnh sát về hưu, đã sống chung với những chiếc sừng ở phía sau đầu suốt 20 năm qua. Cụ sinh ra bình thường và không hề có gì lạ xuất hiện trên đầu. Nhưng sau khi nghỉ hưu, những chiếc sừng bắt đầu phát triển. Năm 2008, một chiếc sừng dài bằng ngón tay đã tự rụng nhưng còn 5 chiếc khác khiến cụ bị đau mỗi khi sờ lên đầu, thậm chí chỉ sờ nhẹ. Theo một bác sĩ từ bệnh viện địa phương, những chiếc sừng mọc lên do chất béo trong da và trường hợp của cụ Abdul là rất hiếm.

Ở Nga là trường hợp với chiếc sừng cong vút, giống như chiếc móc câu của một người phụ nữ 69 tuổi. Bà đã sống chung với chiếc sừng dài 17cm mọc lên ở giữa trán. Năm 2008, bà đi khám bác sĩ và cho hay bà từng có một bướu trên trán khoảng 20 năm về trước. Cái bướu đã khô đi và mọc lên một chiếc sừng. Sau đó chiếc sừng đã được cắt bỏ.

Ở Việt Nam có trường hợp của cụ bà Ngô Thị Tâm (SN 1928), trú tại Khu 10 xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, rất lo lắng và hoang mang vì trên đầu tự nhiên mọc ra một... “cái sừng” dài hơn 30cm. Sừng mọc ngay sau trán cụ Tâm nên nhìn giống sừng tê giác. 



Vì sao con người mọc sừng?

Những trường hợp điển hình như: người bị mọc sừng trên đỉnh đầu, mọc sừng sau gáy, mọc sừng ở tai và thậm chí là mọc nhiều sừng. Nhiều nhà khoa học, bác sĩ đã nghiên cứu, tìm hiểu về hiện tượng mọc sừng, song vẫn chưa có được lời giải thích thỏa đáng. 

Trong y học, sự tăng trưởng kỳ lạ, thậm chí đáng sợ này được đề cập đến như “những chiếc sừng da người” giống như: chiếc sừng dê, nai, trâu, bò và các động vật có móng khác. Mặc dù khi chạm vào có cảm giác cứng và có xương, nhưng sừng ở con người thực chất là “keratotic”, nghĩa là được tạo ra từ các hợp chất như tóc và móng tay.

Phần nhiều ý kiến cho rằng, hiện tượng mọc sừng ở người là do u xương lành tính. Một số ý kiến khác cho đây là biến thể của loại bệnh cornu cutaneum (thừa màng da). Theo Tạp chí World Journal Surgical Oncology (WJSO), sừng da ở người phát sinh do các tổn thương biểu bì ở phạm vi rộng. Các tổn thương này có thể là lành tính, tiền ác tính hay ác tính, 1/3 trường hợp mắc hiện tượng này đều có khả năng dẫn đến ung thư, 2/3 còn lại cũng gặp nhiều vấn đề nan giải.

Vị trí những chiếc sừng thường chọn để xuất hiện là ở đầu, cổ và mu bàn tay. Điều này khiến cho nhiều chuyên gia y khoa có ý nghĩ kết nối giữa sự phát triển của những chiếc sừng với các tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím từ ánh nắng Mặt trời. Theo báo cáo của WJSO, độ tuổi trung bình bị ảnh hưởng nhiều nhất là 57 tuổi, bên cạnh đó, sự tiếp xúc với tia cực tím trong một thời gian dài cùng với sự lão hóa da liên quan đến tuổi tác có thể đặt nền móng cho quá trình phát triển sừng da ở người. Tiến sĩ Madhusudan, bác sĩ tại một bệnh viện ở Narasimharajapura cho rằng nguyên nhân mọc sừng có thể là do tích mỡ dưới da.

Mặc dù đã có rất nhiều kết luận khoa học được đưa ra để giải đáp cho hiện tượng kỳ lạ này nhưng nhìn chung vẫn chưa có lời giải đáp nào cụ thể và rõ ràng. Tất cả vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu.
(Nguồn: WordOdd )