|
Ma là gì và tại sao người ta tin có ma? |
|
|
Các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều mâu thuẫn hiện hữu trong các quan niệm về ma. Ví dụ như, ma là hữu hình hay vô hình? Theo những người tin vào ma, chúng có thể di chuyển xuyên qua bất kỳ vật thể rắn nào mà không hề tác động đến nó hoặc có thể đóng sập cửa hoặc ném vật thể khắp phòng. |
|
Chuyện ma thời nay
Mới đây nhất, vào ngày rằm tháng giêng vừa rồi, tại miếu ở làng Vạn Phúc (làng lụa nổi tiếng ở Hà Đông, Hà Nội) đã xảy ra chuyện rắn nhập vào người khiến người đó có những hành động y như rắn. Chưa biết thực câu chuyện thế nào nhưng câu chuyện “thần xà” hiển linh đã được bàn tán khắp làng trên xóm dưới, thậm chí người ta còn mang cả chuyện này đến hỏi cả Ban quản lý di tích và Chủ tịch xã. Cũng không có lời khẳng định nào về việc có “thần xà” hiển linh nhưng người dân thì vẫn tin vào câu chuyện bị ma nhập và vẫn không ngớt bàn tán xôn xao.
Chuyện ở Phủ Giày, quê hương của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Xế cửa phủ chính Tân Hương có một cây duối có tuổi thọ cũng vài trăm năm, gốc cây cũng đã cỡ hơn một vòng tay ôm. Vốn cây duối này trước nằm ở vườn phủ chính. Cách đây 4 năm xã có chủ trương mở rộng đường trước cửa phủ. Cây duối nằm trong lộ giới. Xã quyết định phải chặt đi. Nhưng cây cứng quá chặt mãi không được. Đơn vị thi công mang máy xúc đến đào gốc. Nhưng máy xúc cứ đến gần cây duối thì chết máy. Tối rồi, anh em đành nghỉ mai làm. Nhưng đêm hôm đó nhiều người nghe thấy tiếng kêu khóc văng vẳng từ cây duối vọng ra. Có người nằm mơ thấy hàng đàn ma quỷ đứng tụ xung quanh cây duối kêu khóc. Sáng ra, một anh thợ xây dựng xung phong trèo lên cây chặt bớt cành, vừa leo lên lưng chừng thân cây, chiếc thang chắc là thế bỗng nhiên gãy đôi, làm anh thợ lăn ra ngã. Kinh sợ, mọi người dành bỏ đi. Đến nay cây duối vẫn còn nguyên, nằm ngay ở lòng đường. Chuyện này đến bây giờ vẫn được bà con dân làng kể lại.
Ông Lý Trọng Vinh, Tổ trưởng Tổ dân phố số 1 Thị xã Lai Châu kể: “Ngày trước đa phần người dân khu phố này ở huyện Phong Thổ chuyển lên. Đó là vùng đất chứa đầy huyền tích và có rất nhiều… “ma cà rồng”. Vào một buổi tối, tôi cùng một người bạn đến thăm một gia đình gần nhà tôi. Ngày đó cả huyện Phong Thổ chưa có điện. Mẹ người bạn ngồi quay sợi bên cửa sổ. Vừa vào nhà ngồi chưa được ấm chỗ, người bạn của tôi đã đòi về. Tôi ú ớ không hiểu lý do vì sao, bỗng dưng người bạn đá vào chân tôi ra hiệu nhìn về bậu cửa. Không biết lúc đó có phải do men rượu phừng phừng trong người khiến tôi hoa mắt hay bởi ảo giác lạ lùng mà tôi thấy khuôn mặt người đàn bà đang ngồi quay sợi kia biến dạng như cái bơm”. Khi đó thần hồn nát thần tính, ông Vinh và người bạn kia chạy thục mạng một mạch về nhà. Câu chuyện đó xảy ra cách đây đã lâu nhưng bây giờ ông Vinh vẫn tin rằng có “ma cà rồng” đang sinh sống ở khu phố này. Ông Vinh quả quyết: “Nhiều người ở trong xóm này đã nhìn thấy “ma cà rồng” gây tâm lý hoang mang”.
Cả ba chuyện đều ghê ghê, nhưng không khó giải thích. Ấy vậy mà những người kể cho tôi thì tin lắm. Họ tin rằng ma đã hiện hình. Con người rất lạ, giữa thời buổi khoa học phát triển, con người đi vào vũ trụ như đi chợ nhưng vẫn tin có ma quỷ. Một điều tra xã hội học ở Mỹ khẳng định 37% người Mỹ tin có ma. Nếu điều tra ở Việt Nam chắc tỷ lệ còn lớn hơn. Ngày Tết nhìn hàng vạn người ngồi kín một đoạn đường Tây Sơn làm lễ giải hạn thì biết.
Nhưng Ma là gì?
Một phần khó khăn trong việc điều tra về ma là, hiện chưa có một định nghĩa thông dụng toàn cầu về việc ma là gì. Nhiều người tin, ma là linh hồn của những người chết vì lí do nào đó đã “lạc lối” khi đang trên đường sang thế giới bên kia. Trong khi đó, số khác lại quả quyết ma là các thực thể thần giao cách cảm can dự vào thế giới từ trí não của chúng ta.
Các nhà khoa học đã chỉ ra nhiều mâu thuẫn hiện hữu trong các quan niệm về ma. Ví dụ như, ma là hữu hình hay vô hình? Theo những người tin vào ma, chúng có thể di chuyển xuyên qua bất kỳ vật thể rắn nào mà không hề tác động đến nó hoặc có thể đóng sập cửa hoặc ném vật thể khắp phòng.
Hàng chục ngàn người trên khắp thế giới hiện có sở thích săn tìm ma, và theo thống kê của nhà nghiên cứu Sharon Hill thuộc trang Doubtful Newsblog, có khoảng 2.000 nhóm thợ săn ma nghiệp dư như vậy. Các thợ săn ma sử dụng nhiều phương pháp sáng tạo và đôi khi mơ hồ, bao gồm cả yếu tố tâm linh, để khám phá sự hiện diện của các linh hồn. Hầu như mọi thợ săn ma đều khẳng định hành động của họ mang tính khoa học và tỏ ra như vậy vì họ sử dụng thiết bị khoa học công nghệ cao, chẳng hạn như thiết bị đo bức xạ Geiger, máy dò điện từ trường (EMF), máy dò ion, camera hồng ngoại và micro siêu nhạy. Tuy nhiên, không có bất kỳ thiết bị nào trong số này từng được chứng minh đã thực sự phát hiện thấy ma.
Những người khác lại tiếp cận theo cách trái ngược, tuyên bố rằng, họ không thể chứng minh được sự tồn tại của ma đơn giản vì chúng ta hiện không có công nghệ phù hợp cho việc tìm kiếm và dò xét thế giới tâm linh. Dẫu vậy, điều này cũng không đúng: Hoặc ma tồn tại và xuất hiện trong thế giới vật chất thông thường của chúng ta (và do đó có thể được phát hiện và ghi lại bằng ảnh chụp, phim, video và đoạn ghi âm) hoặc không có thực. Nếu ma tồn tại và không thể phát hiện hoặc ghi lại bằng khoa học thì tất cả những bức ảnh, video và đoạn ghi âm tuyên bố là bằng chứng về ma chắc chắn không phải là ma. Với nhiều giả thuyết mâu thuẫn đến như vậy, không có gì ngạc nhiên khi biết rằng, bất chấp các nỗ lực của hàng ngàn thợ săn ma trên truyền hình và ở những nơi khác trong suốt nhiều thập niên qua, không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục về ma được công bố.
Một quan điểm được đông đảo công nhận là, Albert Einstein đã đề xuất một cơ sở khoa học về sự tồn tại của ma: nếu năng lượng không thể được tạo ra hay phá hủy mà chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, điều gì xảy ra với năng lượng cơ thể của chúng ta khi chúng ta chết đi? Liệu chúng bằng cách nào đó có biến thành ma?
Bằng chứng về ma hiện nay chẳng khác gì cách đây một năm, một thập niên và thậm chí một thế kỷ. Sự thất bại trong việc tìm kiếm bằng chứng đáng tin cậy của các thợ săn ma được cho là do 2 nguyên nhân: Trước hết là do ma không tồn tại và các báo cáo về ma có thể được lí giải bằng tâm lý, sự ngộ nhận, lầm tưởng hoặc trò bịp bợm. Ví dụ việc ở Phủ giày là do có sự tập hợp của các sự việc ngẫu nhiên và do lòng tin vào sự thiêng liêng của Thánh Mẫu trong Phủ nên sinh ra những hoang tưởng ở một số bà con. Còn việc ở Lai Châu, chính GS Ngô Đức Thịnh, một nhà nghiên cứu văn hóa đã nói: “Đây là sự mê tín dị đoan thái quá của người dân. Có thể một ai đó do suy nghĩ nhiều đã mường tượng ra và kể cho người khác qua lời đồn thổi khiến cho ma mường tượng ấy trở nên ghê gớm”.
Về trường hợp thần xà nhập xác, cũng như nhiều trường hợp ma nhập, vong nhập, nhập hồn, khoa học đã làm rõ từ lâu. Ma, vong chỉ nhập vào người có thần kinh yếu, nói theo ngôn ngữ dân gian là yếu bóng vía. Phần lớn các nhà khoa học coi đó là một trường hợp bị phân ly nhân cách trong một điều kiện cụ thể, khi các yếu tố bên ngoài như cúng lễ, tác động cá nhân, xúc cảm mạnh dẫn đến sự phá vỡ sự đồng bộ của các hoạt động tinh thần có mức độ tích hợp cao. Kết quả là hoạt động sinh lý và nhận thức sẽ trở nên bất thường: người bị “ma nhập” đã phân ly thành một người khác. Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Quân giải thích đó là hiện tượng bị ám thị mạnh khiến bộ não họ không kiểm soát được cơ thể nữa.
(Có sử dụng tài liệu từ Doubtful Newsblog)
|
|
|
|
|
|
|