Đâu là sự thật trong truyền thuyết về đá mặt trời
Nghiên cứu mới giúp làm rõ niềm tin trong truyền thuyết Viking về những viên đá mặt trời có thể xác định được hướng mặt trời ngay cả vào ngày u ám.

Theo truyền thuyết Viking, những tên cướp biển luôn có khả năng tìm thấy đường đi đúng, cho dù thời tiết xấu đến đâu bằng cách sử dụng những viên đá mặt trời rực rỡ. Nó giúp họ xác định một cách chính xác vị trí mặt trời, kể cả lúc bị mây che khuất, thậm chí khi mặt trời đã lặn xuống đường chân trời.

Các nhà khoa học từ lâu đã tiến hành nhiều cuộc tranh luận về tính khả thi của phương pháp đó. Và gần đây, nghiên cứu mới thực hiện trên tinh thể được phát hiện từ một con tàu bị đắm vào thế kỷ 16 cho thấy rằng, loại đá này thực sự tồn tại và hoàn toàn có thể giúp người Viking lênh đênh trên biển từ Na Uy đến Bắc Mỹ mà không gặp bất kỳ sai sót nào.

Theo truyền thuyết Viking, đá mặt trời giúp những tên cướp biển tìm ra được hướng đi đúng.
Theo truyền thuyết Viking, đá mặt trời giúp những tên cướp biển tìm ra được hướng đi đúng.

Hơn một ngàn năm trước đây, những tên cướp biển người Viking giương buồm đi khắp châu Âu và Bắc Đại Tây Dương trên nhiều chiếc thuyền dài, đánh phá cướp bóc, xâm chiếm phần lớn các vùng đất trù phú tại châu Âu, rồi định cư tại những vùng đất chiếm được. Việc tìm kiếm của họ căn cứ vào mặt trời, các ngôi sao, hướng gió và hướng sóng.

Tuy nhiên, các chuyến đi đầy tham vọng đó đôi khi khó thực hiện bởi sương mù dày đặc, bầu trời nhiều mây, làm cho việc quan sát mặt trời và các ngôi sao không hề dễ dàng.

Theo một cuốn tiểu thuyết Iceland thời trung cổ với nội dung khắc họa về người thủy thủ tên là Sigurd, đá mặt trời bí ẩn xuất hiện chẳng khác nào “vị cứu tinh” khi ông đang cảm thấy thất vọng vì thời tiết xấu. Bằng cách giơ cao viên đá ấy lên, Sigurd có thể nhìn thấy vị trí mặt trời và giữ cho con tàu đi theo hướng đó.

Năm 1967, Thorkild Ramskou, một nhà khảo cổ học Đan Mạch, cho rằng những viên đá mặt trời của người Viking chính là tinh thể khoáng chất spar Iceland (loại chất canxít trong suốt, không màu) khá phổ biến trong khu vực.

Ánh sáng khi đi qua canxít dẫn tới hiện tượng khúc xạ kép. Theo đó, chúng tách tia sáng tới thành hai phần theo những đường khác nhau. Sóng điện từ dao động theo các hướng vuông góc với hướng đang đi. Tuy nhiên, khi ánh sáng mặt trời đi qua bầu khí quyển của Trái đất, nó tỏa ra và dao động theo một hướng cụ thể.

Người Viking có thể đã xác định dựa vào những viên đá tinh thể canxít bằng cách quét chúng qua bầu trời và tìm thấy vị trí của mặt trời khi các tinh thể sáng lên. Sau đó, họ lặp lại các thủ thuật để xác định kể cả khi mặt trời không còn nhìn thấy được.

Viết trong Kỷ yếu của Hiệp hội Hoàng gia, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Ropars Guy đến từ Đại học Rennes, Brittany đã mô tả lại thí nghiệm trên mảnh tinh thể khoáng chất spar Iceland được tìm thấy trong một con tàu quân sự bị đắm thuộc về triều đại của Nữ hoàng Elizabeth đệ nhất. Con tàu được phát hiện vào những năm 1970 ngoài khơi Alderney trong quần đảo Channel.

Họ phủ một tấm chắn sáng có đục lỗ ở trung tâm lên tinh thể. Khi nhìn qua cái lỗ, họ nhận thấy tinh thể phát ra hai phần sáng riêng biệt. Khi xoay tinh thể, một phần bỗng sáng hơn trong khi phần còn lại thì tối đi và ngược lại.

Kiểm tra sau đó cho thấy rằng họ có thể tìm ra vị trí mặt trời theo bằng cách xoay tinh thể theo các hướng cho đến khi tìm được phần bóng tối phù hợp.

“Như vậy, khi chưa có sự xuất hiện của la bàn ở Châu Âu thì đá mặt trời có thể giúp những người Viking đi tàu từ Na Uy sang Mỹ”, Guy nói. “Việc sử dụng tinh thể canxít vẫn có ý nghĩa quan trọng ngay cả trong thời đại ngày nay”, ông chia sẻ thêm.

(Nguồn: Theo Guardian )