Khu “vườn treo” hái ra tiền
Với khoảng sân thượng hơn 130 m2 đầy nắng và lộng gió, anh Nguyễn Văn Hưởu (Gò Vấp, TP.HCM) tạo thành khu “vườn treo” xanh mát với nhiều loài kiểng bonsai mới lạ. Cách trồng kiểng “trên trời” này rất độc đáo, cũng là thú vui tao nhã. Điều bất ngờ nhất, chính không gian sân thượng bé nhỏ này đã cho anh thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, anh Hưởu còn đang sở hữu những cây bonsai “vô đối” trị giá hàng tỷ đồng.

Trồng kiểng “trên trời”

 

Anh Hưởu là một trong những người trẻ có “gia tài bonsai” đáng nể ở khu làng hoa Gò Vấp. Anh khẳng định, cứ mỗi mét vuông sân thượng sẽ cho thu nhập 4,2 triệu đồng/năm. Là người đam mê cây kiểng nên khi xây nhà, anh Hưởu bố trí không gian sân thượng rộng rãi từ tầng 1 đến tầng 3 sao cho không khuất nắng và gió. Tổng cộng hơn 130 m2 diện tích của 3 sân thượng được anh khéo léo bố trí khoảng 10.000 - 12.000 cây giống, đây là nguồn cây nguyên liệu để anh “chế tác” những tác phẩm bonsai cung cấp cho thị trường. Anh xoay vòng theo độ lớn của cây nên sân thượng luôn dồi dào nguồn cây giống bổ sung, lớp cây nào thành phẩm xuất bán thì đưa loạt cây mới vào thế chỗ. Cứ thế mà sân thượng luôn tràn ngập không gian xanh. Có lẽ nhờ ở trên cao, nắng gió đầy đủ nên cây ươm nhanh tốt và dáng đẹp. Thế mạnh trên sân thượng của anh Hưởu là tạo ra dòng bonsai mini từ các loại cây như tùng, chiếu thủy, nguyệt quới, kim quýt... Anh cung cấp sỉ cho thị trường khắp Bắc - Trung - Nam với mức giá từ 50.000 - 60.000 đồng/cây. Sản phẩm bonsai của anh còn được xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Úc và một số nước khác.

Ông Trần Thế Hùng, chủ nhiệm hợp tác xã hoa kiểng Gò Vấp “trầm trồ” vì hiệu quả kinh tế của khu sân thượng này. Với điều kiện đất chật người đông, đô thị hóa nhanh, việc phát triển nông nghiệp đô thị đôi khi chỉ cần sân thượng cũng đủ làm giàu nếu biết nghề và đam mê. Mô hình sản xuất bonsai trên sân thượng của anh Hưởu cho thu nhập “khủng” nếu tính trên đơn vị diện tích, cao hơn 10 lần so với trồng hoa lan với mức 500 triệu đồng/ha trong khi đất rộng lại khó tìm. Anh Hưởu kể rằng, sau khi tích lũy vốn xây căn nhà thì qua mùa xuất bán bonsai anh đã thu hồi được vốn, lại còn lời... phần sân thượng để anh tiếp tục ươm cây. Cũng chính nhờ sản xuất bonsai mini nên anh thu hồi vốn nhanh và đó cũng là cách lấy ngắn nuôi dài, đầu tư cho những cây bonsai lâu năm hơn.

Những cây bonsai bạc tỷ “vô đối”

Tầm cỡ nghệ nhân kiểng bonsai của anh Hưởu được “chứng thực” qua những cây kiểng độc đáo mà anh đang nắm giữ. Đó là bộ cần thăng 3 cây có dáng khác nhau được xem là “vô đối” ở phía nam. Những cây cần thăng này có dáng đẹp mê hồn, cùng với tuổi đời của nó đã tạo nên giá trị cao ngất ngưởng. Đã có khách đến tận nhà ngã giá 2,2 tỷ đồng/cây nhưng anh Hưởu vẫn chưa nỡ “gả” đứa con bao năm được anh chăm sóc “như trứng mỏng”. Trong khu vườn của anh còn có cây mai chiếu thủy (lá trung) thuộc hàng hiếm, giá được định 60.000 USD nhưng anh không muốn chuyển chủ. Đáng chú ý nhất là bộ “ngũ phúc” (ngũ đại đồng đường), bộ sưu tập gồm 5 cây mai chiếu thủy thuộc hàng “cao niên” bởi có tuổi thọ đã qua đến 3 đời, đến anh là thứ tư. Mỗi cây một dáng rất ấn tượng, thuộc hàng độc quyền do anh sưu tầm và nuôi dưỡng nhiều năm qua. Trị giá bộ “ngũ phúc” này lên đến 4,5 tỷ đồng vì thuộc hàng “chưa có đối thủ”.

Nói về những ngày bắt đầu học làm bonsai, anh Hưởu tâm sự: “Cha mẹ tôi có đến 10 anh em nên phần lớn ai nấy đều phải tự lập, riêng tôi thì theo nghiệp hoa kiểng”. Từ lúc thanh niên, anh say mê cây kiểng nhưng không biết bắt đầu làm ăn từ đâu vì thời đó kiến thức về bonsai chưa nhiều, vốn không có. Trước ngày đi nghĩa vụ, anh Hưởu lấy mấy lon sữa bò đi hái trái mai chiếu thủy về ươm trong vườn. Thấm thoát qua 3 năm nghĩa vụ, những cây mai chiếu thủy anh gieo đã đủ lớn cho anh thực tập làm kiểng bonsai. Với sức trẻ, anh cất công lặn lội khắp miền săn tìm cây về làm kiểng. Khi bắt xe về miền Tây, lúc ra tận miền Trung, hễ nghe ai nói có cây kiểng lạ, đẹp là anh khăn gói đến nơi. Với quyết tâm phát triển bonsai, anh lao động miệt mài và tự tạo cho mình thế mạnh riêng. Qua 20 năm sống với nghề, anh Hưởu trở thành một nghệ nhân bonsai lành nghề, từng là đại diện đầu tiên của chuyên ngành bonsai các tỉnh phía nam nhận bằng khen từ Hội sinh vật cảnh Việt Nam. Không ngừng phát triển tiềm năng cây kiểng theo xu hương mới, anh Hưởu xây dựng vệ tinh trồng kiểng ở Bến Tre, Tây Ninh và đầu tư vườn ươm kiểng tại Củ Chi (TP.HCM). Thành công của anh Hưởu xứng đáng là một điển hình nông nghiệp đô thị của TP.HCM.

 


Phương Kiện Bình


 

(Nguồn: Theo Khoahocphothong )