Quyết liệt đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại
Chiều 15/1, tại Hà Nội, Cục Quản lý thị trường tổ chức Hội nghị tổng kế công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016. Tham dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống gian lận, thương mại và hàng giả (BCĐ 389); Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng; đại diện lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường cả nước.

Quyết liệt đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại - Ảnh 1

Hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016 của Cục Quản lý thị trường. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia khẳng định: Chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước nhằm bảo vệ người tiêu dùng, sức khỏe nhân dân, sản xuất trong nước, chống thất thu ngân sách.

Thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương, đánh giá cao những kết quả trong năm 2015 và bày tỏ tin tưởng lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ làm tốt nhiệm vụ nặng nề được giao trong năm 2016.

Bên cạnh những thành tích đạt được, Phó Thủ tướng thẳng thắn đề nghị lực lượng quản lý thị trường cần nhìn nhận rõ những yếu kém, bất cập, khó khăn trong công tác này để có giải pháp, xử lý hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, nhận thức của một bộ phận nhân dân về hàng lậu, hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc chưa cao; còn ham rẻ, sính hàng ngoại, chưa tố giác kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đại bộ phận nhân dân chưa được phát động, cam kết không buôn bán, tiếp tay cho hàng lậu, hàng kém chất lượng; vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý thị trường có tình trạng kiểm tra nhiều, xử lý ít, gây phiền hà, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu, buôn bán hàng giả, chưa phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, ngành hàng để xử lý hàng lậu, hàng nhái; công tác phối hợp giữa các ngành chưa cao, chưa hiệu quả, chưa nghiêm. Có địa phương chỉ đạo chưa nghiêm túc; thể chế chính sách còn sơ hở dễ bị lợi dụng; đi liền là xử lý không nghiêm túc dẫn đến nhờn pháp luật trong một bộ phận người buôn bán...

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng quản lý thị trường cần xác định mục tiêu cụ thể, khả thi, thực sự hiệu quả nhiệm vụ trong năm 2016. Đó là, cần có sự chuyển biến căn bản, quan trọng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2016, nhằm lập lại trật tự một bước trong vấn đề này; có giải pháp quản lý, kiểm tra, xử lý kịp thời, quyết liệt các biểu hiện buôn lậu và tổ chức “đánh trúng, đánh sập” các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu buôn lậu lớn.

Muốn vậy, lực lượng quản lý thị trường phải mạnh, cán bộ phải trong sạch, không được “nhúng chàm”, phải là nòng cốt phát động quần chúng nhân dân tham gia ký kết không buôn bán hàng cấm; phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ buôn hàng lậu; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền mạnh mẽ hơn trong nhân dân; ngành công thương có phương án cung cấp hành hóa đầy đủ, bảo đảm chất lượng cho nhân dân trong dịp Tết...

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu đề xuất các giải pháp để thúc đẩy sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, cung cấp thông tin đầy đủ cho người tiêu dùng, tạo động lực cho tăng trưởng dài hạn, có cơ chế quản lý thị trường hiệu quả, hiệu lực, nâng cao đạo đức phẩm chất của của cán bộ quản lý thị trường để lực lượng này hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Pháp lệnh Quản lý thị trường lên Ủy ban thường vụ Quốc hội, khi được thông qua sẽ tạo tiền đề quan trọng để ngành phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ nặng nề mà lực lượng quản lý thị trường được giao.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Trung ương Trịnh Văn Ngọc: Trong năm qua, hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có giá trị chênh lệch lớn giữa thị trường trong và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, đồ điện tử, gia dụng, hàng tiêu dùng...

Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như chia nhỏ mặt hàng thuốc lá, trà trộn, cất giấu trong các hàng hóa khác nhau hoặc các loại phương tiện khác; mặt hàng thực phẩm chức năng được trà trộn hàng giả, hàng nhái với hàng thật qua các cửa khẩu, lấy danh nghĩa “hàng xách tay” để tiêu thụ nội địa; mặt hàng gia súc, gia cầm thì được giết mổ ngay ở biên giới rồi cất giấu, vận chuyển bằng xe du lịch, xe đông lạnh đi tiêu thụ tại các chợ đầu mối nội địa...

Về tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, Bộ Công Thương cho biết: Hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các nhãn hiệu có uy tín để đưa ra thị trường tiêu thụ. Hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ do các đối tượng đặt hàng như hàng dệt may, da giầy, túi xách, mỹ phẩm, điện thoại, phụ tùng ô tô, đồ chợi trẻ em... còn khá phổ biến.

Bên cạnh đó, hàng xâm phạm trong lĩnh vực nông nghiệp có chiều hướng gia tăng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi... Tình hình gian lận thương mại, vận chuyển, buôn bán hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm trong năm qua nổi lên việc kinh doanh, đóng gói sẵn không đủ định lượng ghi trên bao bì, ghi nhãn hàng hóa sai hoặc không đủ nội dung bắt buộc theo quy định, gắn chíp điện tử để gian lận trong bán lẻ xăng dầu...

Các sản phẩm gia súc, gia cầm, nguyên liệu chế biến thực phẩm cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn diễn biến phức tạp do nhu cầu sản xuất, chế biến trong nước cũng như các chủng loại hàng hóa được nhập từ nước ngoài vào trong nước ngày càng nhiều, việc sản xuất các chất phụ gia trong các mặt hàng ăn uống đang khá phổ biến trong cả nước.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2016, Cục Quản lý thị trường xác định rõ cần tập trung bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng thể chế, văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nâng cao năng lực thực thi pháp luật của cơ quan, công chức làm công tác quản lý thị trường; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường cho biết: Năm 2015, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 174.248 vụ, tăng 5.411 vụ (tăng 3,2%) so với năm 2014; phát hiện xử lý 103.746 vụ vi phạm, tăng 10.468 vụ, (tăng 11,2%) so với năm 2014 với tổng số thu nộp ngân sách 459 tỷ đồng, tăng 63,5 tỷ đồng, (tăng 16%) so với cùng kỳ; giá trị hàng tịch thu chưa bán 133 tỷ đồng; ước giá trị tiêu hủy 114 tỷ đồng.

Theo baochinhphu.vn

(Nguồn: http://www.doisongphapluat.com/ )