Vũ trụ sẽ bất ổn vì rác
Các nhà khoa học cho rằng không gian xung quanh trái đất sẽ trở thành môi trường cực kỳ nguy hiểm nếu chúng ta không loại bớt rác vũ trụ ngay từ bây giờ.


Hàng trăm triệu mảnh rác vũ trụ đang bay quanh trái đất.
Hàng trăm triệu mảnh rác vũ trụ đang bay quanh trái đất. Ảnh: ingenious.com.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính khoảng 170 triệu mảnh rác vũ trụ (với chiều dài từ 1 mm trở lên) đang bay quanh trái đất. Chúng là các vệ tinh ngừng hoạt động, bộ phận của tên lửa, mảnh vỡ và nhiều loại linh kiện. Khoảng 30.000 rác vũ trụ có chiều dài lớn hơn 10 cm. Radar có thể phát hiện chúng, song không thể phát hiện những mảnh rác nhỏ hơn.

Trong hội thảo về Rác vũ trụ lần thứ 6 tại thành phố Darmstadt, Đức, hôm qua, các chuyên gia cảnh báo rằng tần suất va chạm giữa các vệ tinh nhân tạo, phi thuyền với rác vũ trụ sẽ tăng vọt trong tương lai. Các mô hình cho thấy số lượng rác vũ trụ có chiều dài trên 10 cm sẽ tăng 30% trong vòng 200 năm tới. Với đà tăng này, cứ 5 tới 9 năm, con người sẽ chứng kiến một vụ va chạm giữa vệ tinh nhân tạo với rác vũ trụ ở quỹ đạo thấp của địa cầu (dưới 2.000 km so với mặt đất), BBCđưa tin.

"Giới nghiên cứu nhất trí rằng môi trường rác vũ trụ sẽ trở nên bất ổn trong vài thập kỷ tới. Chúng ta chỉ có thể tránh được nguy cơ ấy nếu làm giảm 10% lượng rác mỗi năm", giáo sư Heiner Klindrad, giám đốc chương trình Rác vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, phát biểu.

Các nhà khoa học từng kêu gọi các doanh nghiệp, chính phủ sở hữu vệ tinh nhân tạo trên quỹ đạo thấp thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng, các thiết bị của họ sẽ tự động rơi khỏi bầu trời trong vòng 25 năm sau khi chúng ngừng hoạt động.

Tuy nhiên, thực thi lời kêu gọi này là "nhiệm vụ bất khả thi". Vì vậy, chủ động loại bỏ rác là cách hợp lý nhất. Theo các chuyên gia, các chính phủ có thể phóng phi thuyền lên quỹ đạo để kéo rác xuống bằng lưới, móc và một số công cụ khác. Thậm chí phi thuyền có thể hủy diệt rác bằng tia laser.

"Chúng ta phải thực hiện các chương trình thử nghiệm trước khi áp dụng các công nghệ xử lý rác vũ trụ", các chuyên gia kết luận.


(Nguồn: Hải Anh )