Nhà máy sản xuất sao
Giới thiên văn học vừa phát hiện một “nhà máy” khổng lồ chuyên cung cấp sao cho vũ trụ, với năng suất 3.000 “sản phẩm” mỗi năm.

Được đặt tên HFLS3, “nhà máy” trên nằm cách trái đất 12,8 tỉ năm ánh sáng. Với tốc độ cho ra lò khoảng 3.000 ngôi sao mỗi năm, thiên hà này được xác định “mắn đẻ” hơn Dải Ngân hà gấp ít nhất 2.000 lần.

Thiên hà trên nằm ở khoảng cách quá xa, nên các chuyên gia chỉ phát hiện được nó vào thời điểm vũ trụ chỉ mới 6% số tuổi hiện tại. HFLS3 thật sự có kích thước vĩ đại, với bể khí khổng lồ dùng để hình thành sao mới. Space.com dẫn lời chuyên gia Dominik Riechers của Đại học Cornell (Mỹ) cho biết công trình nghiên cứu trên đã mở ra một cái nhìn chi tiết nhất về những đặc tính vật lý của một thiên hà xa xôi. Ông giải thích rằng việc thu thập được thông tin cụ thể về những thiên hà như HFLS3 đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nỗ lực tìm hiểu cách các thiên hà, cũng như các nhóm và cụm thiên hà, thành lập trong giai đoạn sơ khai của vũ trụ.

Cách các nhà thiên văn học xác định thiên hà HFLS3
Cách các nhà thiên văn học xác định thiên hà HFLS3 - Ảnh: ESA 

Để có thể xác định chính xác khoảng cách và những đặc điểm của thiên hà trên, các chuyên gia phải nhờ cậy đến 12 tổ hợp kính viễn vọng quốc tế, cả trên quỹ đạo lẫn trên mặt đất, từ ánh sáng thường đến hồng ngoại, sóng vô tuyến... Theo đó, Tổ hợp Cực lớn (VLA) Karl G.Jansky của Tổ chức Khoa học quốc gia Mỹ đã cung cấp thông tin về chất khí phân tử lạnh, vật chất từ đó sao tượng hình, và sóng vô tuyến phát ra từ tàn tích những ngôi sao khổng lồ nhưng sớm bị diệt vong. Các nhà khoa học phát hiện thiên hà trên có tổng khối lượng sao gấp gần 40 tỉ lần khối lượng của mặt trời, trong khi khí và bụi phải hơn gấp 100 tỉ lần. Tất cả đều bao quanh một lượng vừa đủ vật chất tối đầy bí ẩn, và dần xây dựng thành chùm các thiên hà.

HFLS3 là bằng chứng cho thấy sự hình thành dữ dội của các ngôi sao tồn tại cách thời điểm Big Bang khoảng 880 triệu năm. Đó cũng là lý do chuyên gia Riechers cho đây là cơ hội vàng mười cho phép giới thiên văn học quan sát giai đoạn hết sức quan trọng trong sự phát triển của những thiên hà đời đầu. Những thông tin chủ chốt về khối lượng khí khổng lồ của thiên hà này đến từ các kết quả quan sát của VLA, và các nhà nghiên cứu đang đặt hy vọng lớn vào tổ hợp kính viễn vọng ALMA ở Chile để có thể phát hiện thêm nhiều chi tiết hơn.

Các ngôi sao được sinh ra từ những đám mây bụi tản mát xuyên suốt các thiên hà. Tình trạng nhiễu loạn đẩy khí và bụi hòa với nhau, và phần tâm điểm bắt đầu sụp đổ dưới lực hấp dẫn của chính nó. Khi sụp xuống, vật chất ở trung tâm được nung nóng và trở thành phôi thai, lõi cực nóng sẽ từ từ trở thành một ngôi sao. Phôi sao ngày càng thu gom nhiều khí và bụi, dù không phải vật chất nào đến phút cuối cũng sẽ trở thành một phần của ngôi sao. Phần vật chất thừa sẽ trở thành hành tinh, tiểu hành tinh, sao chổi… vẫn muôn đời vẫn là bụi. Con người, cuối cùng cũng trở thành cát bụi, và góp phần vào sự hình thành của những vì sao mới.

(Nguồn: Thanh Niên )