Số người chết vì căn bệnh tim tăng vọt do khói bụi
Theo một nghiên cứu mới được công bố ngày 20/2, việc tiếp xúc với lượng bụi lớn là nguyên nhân gây tăng vọt số người chết vì bệnh tim.


Nghiên cứu xuất bản trên tuần báo European Heart Journal nói rằng tình trạng ô nhiễm với những hạt bụi PM2.5 (có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn) là nguyên nhân gây ra tình trạng trên.

Hạt bụi nhỏ như thế sinh ra chủ yếu từ việc đốt than đá và dầu lửa để tạo điện. Ngoài ra, chúng cũng sinh ra từ hoạt động tiêu thụ xăng dầu diesel trong giao thông vận tải.

Với kích cỡ nhỏ hơn 30 lần so với một sợi tóc người, các hạt bụi PM2.5 lâu nay đã được xem là thủ phạm gây ra các bệnh về hô hấp, do kích cỡ nhỏ khiến chúng có thể chui sâu vào trong phổi. Ít người biết rằng chúng còn có thể gây bệnh về tim mạch.

Cathryn Tonne ở Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London đã lãnh đạo một nghiên cứu xem xét trường hợp của 154.000 bệnh nhân ở vùng England và xứ Wales đã phải nhập viện vì bị đau tim từ năm 2004 - 2007.

Số người chết vì căn bệnh tim tăng vọt do khói bụi

Họ đã theo dõi các bệnh nhân trong hơn 3 năm sau khi họ ra viện. Trong khoảng thời gian này, gần 40.000 người đã chết.

Sau khi loại bỏ các yếu tố có thể gây ảnh hưởng như tình trạng kinh tế xã hội, thói quen hút thuốc, các nhà khoa học đã thấy mối liên hệ rõ ràng giữa tình trạng chết sớm của họ với PM2.5.

Nguy cơ từ PM2.5 đã vượt qua nguy cơ đe dọa do các hạt bụi PM10 (đường kính 10 micromet) lớn hơn mang lại.

"Chúng tôi thấy rằng mỗi 10 microgram bụi PM2.5 tăng lên trong một mét khối không khí, tỉ lệ chết sớm cũng tăng lên tới 20%" - Tonne nói.

Nếu mức độ PM2.5 giảm xuống mức tự nhiên, con số người chết trong nghiên cứu có thể giảm được 12%, tức bằng 4.873 người.

Mức độ tiếp xúc với PM2.5 trung bình ở Anh là 11 microgram/m3, với mức cao nhất nằm ở London (14,1 microgram/m3). Mức thấp nhất nằm ở Đông Bắc vùng England (8,4 microgram/m3).

Để tiện so sánh, Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra tiêu chuẩn bụi PM2.5 trong không khí hít thở cả năm không vượt quá 10 microgram/m3. Còn trong vòng 24 giờ đồng hồ, chỉ số PM2.5 tối đa là 25 microgram/m3.

Khói bụi đã trở thành một vấn đề lớn ở các thành phố châu Á trong vòng thập kỷ qua.

Tháng trước ở Bắc Kinh, mức độ PM2.5 đã đạt ngưỡng 993 microgram/m3, cao hơn 40 lần giới hạn an toàn của WHO và khiến dư luận phẫn nộ.

"Ô nhiễm ở Bắc Kinh là nguyên nhân gây quan ngại lớn" - Pier Manucci, một giáo sư tại Đại học Milan nhận xét - "Khi bạn biết rằng ở đây tại Italia, trên đất Milan này, chúng tôi đã tỏ ra quan ngại khi biết mức PM2.5 chạm ngưỡng 100 và tại Trung Quốc chỉ số này đã chạm ngưỡng 1.000, bạn có thể hiểu được độ lớn của sự khác biệt về rủi ro và các tác động liên quan".

Ông nói rằng phần lớn các nghiên cứu về mối quan hệ giữa bệnh tim mạch và tình trạng ô nhiễm được thực hiện ở các nước giàu, nơi mức độ PM2.5 thấp hơn rất nhiều.

"Chúng tôi biết được mức độ ô nhiễm ở các nước này, nhờ dữ liệu vệ tinh về tình trạng tập trung của khói bụi" - Manucci nói với AFP - "Nhưng người ta chẳng quan tâm lắm (tới tình trạng ô nhiễm), ngoại trừ lần diễn ra trong Olympic 2008, khi người ta giảm bớt lưu lượng giao thông ở Bắc Kinh".


(Nguồn: Vietnam+ )