Căn nhà cứu trợ
Với cái tên khiêm tốn Shelter (chốn nương tựa, ẩn náu…), sản phẩm nhà đối phó trường hợp khẩn cấp, thảm họa thiên nhiên được đánh giá cao về tính linh hoạt.



Sản phẩm Shelter của Hãng kiến trúc Carter Williamson được thiết kế để dễ dàng không chỉ cho việc vận chuyển, dễ lắp ráp mà còn phù hợp với nhiều loại địa hình phức tạp. Điều thú vị khác là các cấu kiện lắp ráp của nó được thu nhặt từ đống đổ nát hoang tàn ở những nơi bị thảm họa đem về tái chế.

Để thuận lợi cho việc vận chuyển, Hãng Carter Williamson đã chọn lựa cấu kiện thiết kế đúc sẵn có thể đóng gói theo dạng phẳng. Thiết kế có chiều cao 2,4 m, phù hợp với việc vận chuyển trong một container tàu biển hoặc xe tải chuyên chở đồ nội thất. Theo Carter Williamson thì cần 2 công lao động trong một ngày là có thể lắp ráp xong một Shelter diện tích 37,5 m2, phần chân đế có thể cao thấp khác nhau để phù hợp với địa hình không bằng phẳng.

Theo tạp chí Gizmag, Shelter được cung cấp hệ thống quang năng 1,5 kWh trên mái nhà phòng khi không tiếp cận được với hệ thống điện lưới, nhà còn có bồn chứa 950 lít nước. Một tùy chọn cho Shelter là gắn thêm hệ thống vệ sinh với bồn cầu compost và vòi sen. Carter Williamson còn hy vọng một phiên bản cao cấp hơn có tên gọi Pavilion sẽ phù hợp với những chuyến dã ngoại hoặc là căn cứ dùng để nghiên cứu khoa học ở những vùng hẻo lánh, thậm chí là mô hình nhà ở thuận tiện cho người có nhu cầu. Hiện chưa có giá bán và thời điểm Shelter chính thức xuất xưởng. 


(Nguồn: Song Mai )