Báo New
York Times (Mỹ) hôm 3/7 cho biết, Lầu Năm Góc đang âm thầm chuyển quân
tới vùng Vịnh Persian để đề phòng Iran đóng cửa eo biển Hormuz cũng như
tăng cường số lượng máy bay chiến đấu có khả năng đánh thọc sâu vào Iran
trong trường hợp căng thẳng hạt nhân leo thang.
Dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên, báo này cho biết, "thông điệp cho
Iran là: Đừng nghĩ đến chuyện đóng cửa eo biển Hormuz. Chúng tôi sẽ dọn
sạch thủy lôi. Thậm chí đừng nghĩ đến việc phái tàu quấy rối tàu Mỹ hoặc
tàu thương mại khác. Chúng tôi sẽ dìm các tàu quấy rối xuống đáy vịnh".
Động thái rõ ràng nhất là việc hải quân Mỹ vừa tăng gấp đôi số tàu ra
phá thủy lôi tại khu vực này lên 8 chiếc. Các phi đội máy bay tàng hình
F-22 và máy bay F-15C đã được triển khai tại những căn cứ khu vực nhằm
tăng viện cho nhóm tàu sân bay tấn công đang hiện diện tại đây.
|
Ảnh: Số tàu quét thủy lôi của Mỹ tại Vùng Vịnh đã lên 8 chiếc. (debka)
|
Trong khi đó, ngày 3/7, giới chức Mỹ cho
biết vòng đàm phán thứ 4 giữa Iran và nhóm P5+1 tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày
được xem là cơ hội cuối cùng cho giải pháp ngoại giao. Tuy nhiên, đàm
phán bế tắc khi Tehran từ chối ngừng sản xuất urani làm giàu 20% và đóng
cửa căn cứ hạt nhân ngầm Fordo.
Hãng tin IRNA (Iran) hôm 2/7 cho biết Ủy ban An ninh quốc gia và Chính
sách đối ngoại quốc hội Iran đã soạn thảo dự luật đề xuất đóng cửa eo
biển Hormuz, động thái được cho là nhằm trả đũa Liên minh châu Âu thực
thi lệnh cấm vận dầu mỏ đối với nước này.
Ngày 3/7 Iran tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3
có khả năng bắn tới mọi mục tiêu trên đất Israel một phần trong cuộc
tập trận Great Prophet 7. Shahab-3 có tầm bắn 2.000 km trong khi Israel
chỉ cách Iran khoảng 1.000 km. Tên lửa tầm ngắn Shahab-1 và Shahab-2, có
tầm bắn từ 300 đến 500 km, cũng được bắn thử.
Trước đó, trang tin quân sự Debka (Israel) cho biết, Nhà vua Saudi
Arabia Abdullah và TTg Israel Netanyahu đã được thông báo rằng TT Mỹ
Obama đang trong quá trình "xem xét lại" chiến dịch quân sự nhằm vào
Iran. Thông điệp của Mỹ là nếu đối đầu hạt nhân Iran không giảm bớt và
khủng hoảng Syria không được giải quyết thì Mỹ có thể đưa ra quyết định
cuối cùng, sử dụng quân sự tấn công Iran trong nửa đầu tháng 10 tới.
Theo đó, Saudi Arabia cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho hành động can
thiệp quân sự vào Iran. Nhận định trên không phải không có cơ sở trong
tình hình hiện nay. Chính phủ của TT Syia al-Assad, được coi là một đồng
minh thân cận của Iran, nếu sụp đổ có thể khiến Iran phải thay đổi quan
điểm trong vấn đề hạt nhân. Đổi lại, nếu Syria, "phên dậu" của Tehran,
vẫn đứng vững thì Mỹ và Israel không có lựa chọn nào khác khi các lệnh
cấm vận nhằm vào Iran không mang lại hiệu quả thực sự.