Tình hình Biển Đông đang dậy sóng với những động thái
liên tiếp bằng cả biện pháp hành chính, chính trị và quân sự của chính
phủ Trung Quốc, thể hiện sự không tuân thủ các cam kết của Bắc Kinh với
nước láng giềng Việt Nam, đồng thời cho thấy rõ âm mưu độc chiếm Biển
Đông của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế.
Những động thái liên tiếp
Hành động đầu tiên trong chuỗi các động thái gây bức
xúc của Trung Quốc đợt này là tuyên bố thông qua việc lập "thành phố Tam
Sa" ở cấp vùng, nhằm quản lý các quần đảo trên Biển Đông, trong đó có
huyện đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam) và huyện đảo Hoàng
Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng, Việt Nam).
Ngay lập tức, lãnh đạo Khánh Hòa và Đà Nẵng lên tiếng
phản đối Trung Quốc, đồng thời khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là bộ
phận không tách rời của Việt Nam. Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Văn Hữu
Chiến nhấn mạnh quyết định của Trung Quốc đã "vi phạm nghiêm trọng chủ
quyền của Việt Nam và không có giá trị về pháp lý".
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng kịch liệt lên án việc
Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa". Trước đây, Trung
Quốc từng có ý định lập thành phố Tam Sa ở cấp huyện, nhưng sau đó quyết
định xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam này đã bị hủy bỏ.
|
Bản đồ chào thầu 9 lô dầu khí trái luật của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC). |
Nghiêm trọng hơn, ngày 23/6, Tổng công ty dầu khí hải
dương Trung Quốc (CNOOC), dưới sự cho phép của chính phủ nước này, đã
ngang ngược thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm hoàn toàn
trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt
Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982. Hơn nữa đây lại
là vùng hoàn toàn không có tranh chấp từ trước đến nay.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã yêu cầu Trung Quốc phải hủy bỏ
ngay việc mời thầu sai trái nói trên. Ông nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc
ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị, vi phạm Công ước
Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc là quốc gia
thành viên".
Ngày 27/6, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp đại
diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao Công hàm phản đối CNOOC
mời thầu tại Biển Đông. Cùng ngày, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt
Nam (PVN) Đỗ Văn Hậu họp báo để phản đối Trung Quốc mời thầu phi pháp.
Các lô mà Trung Quốc mời thầu nằm trên khu vực rộng
hơn 160.000 km2, chồng lên các lô mà PVN đang tiến hành các hoạt động
dầu khí lâu nay. Vùng biển Trung Quốc gọi thầu chỉ cách bờ biển Quảng
Ngãi 76 hải lý (hơn 140 km), cách phía bắc Nha Trang 60 hải lý (hơn 105
km) và cách đảo Phú Quý 30 hải lý (55 km).
PVN cho biết đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp
Trung Quốc công khai mời thầu dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam, bất chấp việc bản thân CNOOC và PVN cũng đã có quan hệ với
nhiều hợp đồng thăm dò chung. PVN yêu cầu Trung Quốc tôn trọng các thỏa
thuận hợp tác giữa 2 bên và khẳng định Việt Nam tiếp tục triển khai các
hợp đồng khai thác dầu khí với đối tác nước ngoài tại Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, ngày 28/6, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố nước này có các đội tuần tra có tính "sẵn sàng
chiến đấu" trên các vùng nước mà họ cho là thuộc chủ quyền của Trung
Quốc trên Biển Đông. Ông này cũng cho biết Bắc Kinh có thể sẽ thành lập
Bộ tư lệnh quân sự của cái gọi là thành phố Tam Sa. Đây là diễn biến mới
nhất trong loạt các hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển đảo
của Việt Nam.
|
Giàn khoan công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes. |
'Trung Quốc khiêu khích Việt Nam'
Các động thái của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm
diễn ra hội thảo An ninh hàng hải Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu
Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ tổ chức tại Washington. Phần lớn các
học giả và quan chức quốc tế, trong đó có giáo sư nổi tiếng người
Australia Carlyle Thayer, khẳng định khu vực mà Trung Quốc mời thầu dầu
khí là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Giáo sư Học viện Quốc phòng Australia cũng cho rằng
"Trung Quốc đã trả đũa việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Biển bằng
cách mời thầu thăm dò, khai thác tại các lô nằm trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam". Nhà nghiên cứu này cũng cho đây là một hành động
chính trị hơn là một hành động kinh tế.
Thượng nghị sĩ Mỹ Joe Lieberman chung quan điểm với
Giáo sư Thayer khi phát biểu rằng việc Trung Quốc mời thầu là "hành động
khiêu khích, nhằm trả đũa việc Việt Nam khẳng định các quyền pháp lý
của mình trong luật quốc nội". Ông đánh giá việc CNOOC mời thầu tại Biển
Đông là tuyên bố vô căn cứ vì khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh
tế của Việt Nam vốn được luật pháp quốc tế thừa nhận.
Do vậy giới nghiên cứu quốc tế nhận định sẽ không có công ty nước ngoài nào quan tâm tới lời mời thầu phi pháp của Trung Quốc. Financial Times
dẫn lời ông Laban Yu, giám đốc nghiên cứu dầu khí tại Jefferies Hong
Kong Ltd., một công ty ngân hàng đầu tư và chứng khoán: "Sẽ chẳng có
công ty nước ngoài nào tới đó (khu vực Trung Quốc chào thầu). Chính
quyền trung ương (Trung Quốc) chỉ muốn sử dụng hành động của CNOOC để
đưa ra một tuyên bố chính trị".
Tiến sĩ Bonnie Glasser, chuyên gia về châu Á của Trung
tâm CSIS cho rằng bất cứ công ty dầu khí nước ngoài nào có ý định tham
gia đấu thầu với Trung Quốc tại các lô nằm trong vùng thềm lục địa của
Việt Nam đều phải thấy mức độ rủi ro rất cao và phải "suy nghĩ kỹ càng"
trước khi quyết định.
Trung Quốc đang đi ngược các cam kết
Trung Quốc và Việt Nam đã có nhiều thỏa thuận cấp cao,
trong đó quan trọng là sự kiện tháng 10/2011, khi hai bên ký Thỏa thuận
những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển gồm 6 điểm.
Thỏa thuận này nhấn mạnh việc hai bên tôn trọng các nguyên tắc được xác
định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật
Biển năm 1982.
Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam cũng là một bên tham
gia ký Tuyên bố chung về quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN với
Trung Quốc (DOC) năm 2002. Theo DOC, các bên khẳng định cam kết với các
mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên
Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 cũng như Hiệp ước hữu nghị và hợp tác
khu vực Đông Nam Á (TAC).
Tuy nhiên, việc Trung Quốc tuyên bố thành lập cái gọi
là "Thành phố Tam Sa" và đặc biệt là việc mời thầu dầu khí trên vùng
biển của Việt Nam đã đi ngược lại với tất cả các cam kết giữa nước này
với Việt Nam cũng như với các nước trong khu vực, trái với Công ước Liên
hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và DOC, đồng thời làm phức tạp thêm tình
hình biển Đông.
Liên quan đến Luật Biển được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn hôm 21/6, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
khẳng định đây là một hoạt động lập pháp quan trọng nhằm hoàn thiện
khuôn khổ pháp lý của Việt Nam. "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa tiếp tục được thể hiện rõ trong Luật Biển.
Việt Nam chủ trương giải quyết các bất đồng, tranh chấp liên quan đến
biển đảo bằng các biện pháp hòa bình", ông nhấn mạnh.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 29/6, Tổng bí thư Nguyễn
Phú Trọng cũng nhấn mạnh, Luật Biển đã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa
là của Việt Nam, do đó Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp giữ toàn
vẹn lãnh thổ, chủ quyền. |