Đo khí thải của bò để chống biến đối khí hậu
Chính phủ Anh đang yêu cầu các nhà khoa học đo lượng khí metan mà đàn bò ở nước này thải ra, để phục vụ nỗ lực giảm thiểu tác động của gia súc đối với biến đổi khí hậu.
Ảnh minh họa:
Để giảm tác động của bò đối với môi trường, nông dân phải biết lượng khí thải mà các con vật thải ra mỗi ngày. Nhưng người ta vẫn chưa tìm ra cách đo chính xác lượng khí thải của bò. Ảnh: Telegraph.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp đóng góp khoảng 8% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Anh. Khí metan do bò và các loại gia súc khác thải ra chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng lượng khí thải từ hoạt động nông nghiệp.

Tuy nhiên, không ai biết chính xác tỷ lệ khí metan mà gia súc đóng góp vì từ trước tới nay người ta chưa tìm ra cách đo lượng khí mà động vật thải ra. Để giảm tác động tiêu cực của gia súc đối với môi trường, nông dân phải biết thể tích khí thải mà mỗi giống bò thải ra mỗi ngày cùng những yếu tố có thể làm tăng, giảm lượng khí đó.

Chính phủ Anh đã cam kết giảm 34% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 so với năm 1990. Liên minh châu Âu từng thảo luận khả năng đưa khí metan vào chương trình mua bán khí thải. Nhưng để thực hiện những mục tiêu đó, các nhà khoa học cần dựa vào một biện pháp đo lượng khí thải của gia súc.

Vì thế chính phủ Anh yêu cầu một nhóm chuyên gia về đo lường của Phòng thí nghiệm Vật lý Quốc gia tại Teddington nghiên cứu một biện pháp đáng tin cậy để đo lượng khí metan mà bò thải ra trong ngày. Công việc của họ là một phần trong dự án nghiên cứu trị giá 12,6 triệu bảng nhằm tìm hiểu tác động của hoạt động nông nghiệp đối với biến đổi khí hậu.

Để đo lượng khí thải trong sản xuất công nghiệp, người ta đưa một thiết bị vào ống khói để lấy mẫu khí trong đó rồi đưa mẫu tới một phòng thí nghiệm di động. Nhưng người ta không thể áp dụng kỹ thuật này đối với một đàn bò di chuyển liên tục trên cánh đồng. Thay vào đó, các chuyên gia định đo lượng khí gas trên một cánh đồng bằng tia laser để tìm ra lượng khí mà mỗi giống bò thải ra môi trường xung quanh trong một khoảng thời gian nhất định (như một giờ hoặc một ngày).

"Chúng tôi dùng tia laser để tương tác với các loại khí thải trên cánh đồng. Cách thức hấp thu tia laser sẽ giúp chúng tôi xác định tên, thể tích, hướng di chuyển và tốc độ của từng loại khí", Alan Brewin, giám đốc dự án đo khí thải của gia súc, giải thích.

(Nguồn: )