Làm rõ các hành vi rửa tiền
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, trong phiên họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII, ngày 22/5, nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần nêu rõ những hành vi rửa tiền là gì thì mới có thể chống được.

Theo Điều 7, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (PCRT), các hành vi bị cấm bao gồm: Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền dưới mọi hình thức; Thiết lập hoặc duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả; Cung cấp dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng tại một địa điểm khác khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép...

Ngân hàng, một kênh có thể xảy ra tình trạng rửa tiền. Ảnh minh họa:
Như Ý

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với dự thảo Luật và cho rằng việc quy định các hành vi bị cấm là cần thiết, làm cơ sở để quy định các biện pháp PCRT cũng như xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính hoặc kỷ luật. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nhiều luật hiện hành cũng quy định theo hướng này.

Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, nhiều ĐBQH cho rằng, cần nêu rõ những hành vi rửa tiền là gì thì mới chống được. ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên- Huế) đề nghị bổ sung quy định PCRT thông qua các hoạt động khác ngoài các giao dịch ngân hàng, đặc biệt là giao dịch trực tiếp sử dụng tài sản và tiền mặt như nhà hàng, khách sạn, chứng khoán... Dẫn chứng cụ thể hơn, ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, dự thảo luật chưa nhận dạng được những hành vi về rửa tiền. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho việc ở nước ta đã thành lập Cục Phòng, chống rửa tiền từ lâu, nhưng chưa phát hiện và xử lý vụ rửa tiền nào.

(Nguồn: datviet )