Ông Phạm Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên
tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Trung tâm trên sẽ được xây dựng
tại Đại học Bách khoa Hà Nội.
"Trung tâm sẽ giúp phổ biến kiến
thức về điện hạt nhân - lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam, trong bối cảnh
Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên", ông Trung nói.
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, tại Vĩnh
Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. (Ảnh: Sơn Ninh)
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Trung tâm
này sẽ được trang bị các thiết bị như máy chiếu phim 3D, với hình ảnh
sinh động, cuốn hút. Ông Trung cho biết, đối tượng chủ yếu của Trung tâm
sẽ là học sinh, sinh viên. Nhưng những ai quan tâm tới điện hạt nhân
đều có thể đến đây để trao đổi, học hỏi.
Trung tâm truyền thông về điện hạt nhân
được sự giúp đỡ và tài trợ của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử Nga
Rostatom. Dự án này nằm trong đề án truyền thông điện hạt nhân do Cục
Năng lượng nguyên tử đã được xây dựng và đang chờ Chính phủ phê duyệt.
Dự kiến, sẽ có Trung tâm truyền thông về điện hạt nhân ở phía Nam trong thời gian tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế
và trong nước, vấn đề thông tin đại chúng cho chương trình điện hạt
nhân là một trong nội dung quan trọng trong việc phát triển cơ sở hạ
tầng điện hạt nhân tại Việt Nam, nhất là sau sự cố Fukushima, Nhật Bản
xảy ra.
Năm ngoái, các nhà khoa học của Cơ quan
Năng lượng quốc tế (IAEA) đã tới Việt Nam truyền đạt kiến thức, kỹ năng
cơ quan về truyền thông điện hạt nhân, trong đó nhấn mạnh các yếu tố
thành phần chính của kế hoạch truyền thông, đặc biệt là cách quản lý vấn
đề, quản lý rủi ro trong trường hợp khẩn cấp đối với một dự án điện hạt
nhân.
Dự án điện nguyên tử đầu tiên của Việt
Nam dự kiến đặt tại tỉnh Ninh Thuận, gồm hai nhà máy có tổng công suất
4.000 MW. Theo kế hoạch sẽ khởi công nhà máy 1 năm 2014 và bắt đầu phát
điện năm 2020. Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ sử dụng công nghệ
của Nga. Quốc hội Việt Nam đã thông qua chủ trương đầu tư xây dựng nhà
máy điện hạt nhân.