NASA khắc phục lỗi máy tính trên robot thám hiểm Hỏa
Các kỹ sư NASA đã cập nhật phần mềm cho robot thám hiểm sao Hỏa, khắc phục trục trặc máy tính đã xảy ra từ hơn 2 tháng nay trong khi robot đang trên đường phóng tới sao Hỏa.

Cuối tháng 11/2011, NASA đã phóng "Phòng thí nghiệm Khoa học sao Hỏa" trị giá 2 tỷ USD của họ vào vũ trụ. Được đặt tên là Curiosity, robot dạng siêu xe tự hành này có kích thước của một chiếc xe thể thao. Curiosity đang trong cuộc hành trình dài 8 tháng lên sao Hỏa với sứ mệnh giúp các nhà khoa học tìm hiểu xem cuộc sống có thể tồn tại hoặc đã từng tồn tại trên Hành tinh Đỏ hay không.

NASA khắc phục lỗi máy tính trên robot thám hiểm Hỏa

Tuy nhiên, hôm 29/11/2011 (3 ngày sau khi phóng), một sự cố khiến máy tính trên Curiosity bị reset (trở lại trạng thái ban đầu), NASA thông báo. Vấn đề là do lỗi truy cập bộ nhớ cache trong đơn vị quản lý bộ nhớ của bộ xử lý máy tính trên robot này.

Theo ông Guy Webster, phát ngôn viên đơn vị Jet Propulsion Laboratory (JPL) của NASA, do bộ xử lý trục trặc, đội điều khiển mặt đất không thể sử dụng thiết bị dò sao của Curiosity, được thiết kế để định hướng trong vũ trụ.

"Công nghệ đó không được sử dụng trong vài tháng, và các kỹ sư NASA phải định hướng cho Curiosity bằng phương tiện thay thế", ông Webster cho biết.

Bản sửa lỗi phần mềm đã được tải lên Curiosity khi nó đang phóng đi trong không gian. Theo NASA, các kỹ sư khẳng định rằng việc sửa chữa đã thành công và thiết bị dò sao đã hoạt động trở lại.

(Nguồn: PC World )