Việt-Nhật chia sẻ về quản lý, xử lý ô nhiễm hóa chất
Hội thảo "Ô nhiễm hóa chất trong môi trường và những thách thức tại Việt Nam" do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản tổ chức ngày 16/2, tại Hà Nội.

Hội thảo là dịp để Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm quản lý và xử lý ô nhiễm hóa chất trong môi trường.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thế Đồng khẳng định bảo vệ và cải thiện môi trường được Việt Nam xác định là một trong những nội dung quan trọng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục Kiểm soát ô nhiễm - Tổng cục Môi trường, nguồn phát thải ô nhiễm hóa chất trong môi trường liên quan đến hầu như tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh hóa chất gây ra, tác động tiêu cực đến sức khỏe con người trong cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Ngăn chặn ô nhiễm hóa chất trong môi trường, tránh cho Việt Nam phải nếm trải những thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường gây ra.
Ngăn chặn ô nhiễm hóa chất trong môi trường, tránh cho Việt Nam
phải nếm trải những thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường gây ra.

Do trong thời kỳ chiến tranh, việc quản lý và sử dụng hóa chất thiếu chặt chẽ, nên Việt Nam có đến 1.153 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu.

Vì vậy, ngày 21/10/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1946 về việc phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước.

Theo đó, các bộ, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương, triển khai thực hiện Kế hoạch theo từng giai đoạn, trong đó từ năm 2010-2015 tập trung xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng.

Từ năm 2015-2025 tiếp tục xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường các điểm tồn lưu hóa chất còn lại; đồng thời phòng ngừa giảm thiểu tác hại của hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cho con người, môi trường và cộng đồng.

Bà Aki Nakauchi, Văn phòng đánh giá hóa chất - Cục Sức khỏe môi trường - Bộ Môi trường Nhật Bản cho biết trong vòng 20 năm, kể từ khi Cơ quan Môi trường đầu tiên của Chính phủ được thành lập, Nhật Bản đã đạt được những thành tựu quan trọng trong đấu tranh chống ô nhiễm, suy thoái môi trường ở giai đoạn mà tốc độ tăng trưởng kinh tế rất cao.

Bài học kinh nghiệm mà Nhật Bản rút ra trong công tác này đó là ban hành những quy định nghiêm ngặt về tiêu chuẩn phát thải chất thải, kiểm soát và giám sát chặt chẽ ô nhiễm chất độc hại; đặc biệt coi trọng tới chính sách giáo dục người dân và vai trò của cộng đồng về vấn đề môi trường.

Nhật Bản còn huy động được các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất đánh giá nếu chỉ ưu tiên, chú trọng đến phát triển kinh tế mà quên lãng vấn đề môi trường thì hậu quả thiệt hại đối với sức khỏe và môi trường sẽ rất to lớn, rất khó khắc phục hậu quả.

Những kinh nghiệm quản lý và xử lý ô nhiễm của Nhật Bản cho thấy, nếu vấn đề môi trường được quan tâm đúng mức thì ô nhiễm sẽ được ngăn chặn, nhất là ô nhiễm hóa chất trong môi trường, tránh cho Việt Nam phải nếm trải những thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường gây ra.

(Nguồn: Vietnam+ )