Xây nhà máy ĐHN: Phải an toàn hơn Fukushima
“Muốn phát triển điện hạt nhân, các nước sẽ phải xây dựng các nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn Fukushima”...

Trên đây là ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học Nhật Bản tại Hội thảo Quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Hiệp hội giao lưu đào tạo quốc tế Nhật Bản (ACT) tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Fukushima còn nhiều “lổ hổng”

Nhiều chuyên gia về điện hạt nhân của Nhật Bản cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima là Nhật Bản chưa có sự chuẩn bị về các biện pháp thích hợp đối phó với sóng thần có cường độ lớn, chưa tính tới sự đa dạng hóa về nguồn điện trong trường hợp có sự cố cùng các biện pháp chống nổ khí hydro trong tòa nhà lò phản ứng.

: Chữa cháy trong sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào ngày 11.3.2011 (Ảnh: Tư liệu từ báo nước ngoài)

Theo GS Hirose Kenkichi, Trung tâm giáo dục Quốc tế (Đại học Tokai) các thiết bị kỹ thuật của Nhật Bản tại thời điểm xảy xây dựng nhà máy điện hạt nhân Fukushima không dự báo được sóng thần, do đó khi động đất cường độ lớn xảy ra, sóng thần đã vượt quá đê chắn sóng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Toàn bộ máy phát điện diesel dùng trong trường hợp khẩn cấp đều bị phá hỏng bởi động đất và sóng thần. Chỉ có duy nhất một máy phát điện với công nghệ làm mát bằng không khí đặt ở vị trí cao là hoạt động bình thường. 

“Cần xây dựng các cửa chắn nước, gia cố đê chắn sóng và bơm nước biển, đa dạng hóa nguồn điện để có thể bảo đảm trong các điều kiện khắc nghiệt (động đất, sóng thần) vẫn duy trì nguồn điện cấp cho nhà máy trong thời gian dài và tăng cường giải pháp chống nổ khí hydro trong tòa nhà lò phản ứng trong trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng” GS Hirose Kenkichi nói.

Bên cạnh đó, thành lập các cơ quan pháp quy về an toàn hạt nhân; xây dựng luật, quy chế, tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến an toàn hạt nhân. Các cơ quan này chịu trách nhiệm đánh giá an toàn, thanh kiểm tra, ban hành tiêu chuẩn, điều tra sự cố, ứng phó khẩn cấp quan trắc, dự báo và môi trường…

Dân không thuận, không thể hoạt động 

Theo các chuyên gia Nhật Bản, sự cố Fukushima là bài học lớn cho ngành năng lượng hạt nhân. Muốn phát triển điện hạt nhân, các nước sẽ phải xây dựng các nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn Fukushima.

Ông Fuji Toshihiko, chuyên gia đàm phán về năng lượng, Cục phó Cục năng lượng, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản cho biết, sau sự cố Fukushima nhiều nước trên thế giới đã dừng hoặc từng bước dừng xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, kinh tế thế giới càng phát triển thì nhu cầu về năng lượng sẽ ngày càng gia tăng. “Việc chấm dứt các nhà máy điện hạt nhân là điều đơn giản nhưng đối với chúng tôi coi điện hạt nhân là sứ mệnh của mình, do đó, chúng tôi sẽ cố gắng cung cấp những nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn nữa”.
Mô hình bản đồ quy hoạch nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận (Ảnh: Thái Ngọc)

Theo ông Sakuma Hirosi, Phó Giám đốc điều hành Công ty Điện lực Tohoku cho rằng, nếu có xảy ra bất kỳ sự cố nào, người có trách nhiệm của nhà máy cũng phải thuyết trình, báo cáo với người dân và chính quyền địa phương một cách trung thực, chính xác. Ở Nhật Bản, nếu không được sự đồng thuận của người dân thì không thể vận hành được nhà máy điện hạt nhân. Không được giấu thông tin và phải trả lời các câu hỏi của người dân, tức là phải minh bạch hóa thông tin.

Các chuyên gia Nga đã bắt đầu tiến hành khoan thăm dò, đo đạc, khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 theo sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam - Liên bang Nga”, đại diện Tập đoàn nhà nước về Năng lượng nguyên tử Liên bang Nga (ROSATOM) cho biết như trên tại buổi gặp gỡ báo chí do Đại sứ quán Nga tổ chức ngày 8.2 tại Hà Nội. “Việc thăm dò, khảo sát nhằm lựa chọn địa điểm, mô hình xây dựng nhà máy điện hạt nhân an toàn nhất cho Việt Nam. Sự cẩn trọng này là cực kỳ cần thiết sau thảm họa Fukushima của Nhật Bản hồi tháng 3 năm ngoái”, ông Piotr Shchedrovitsky, cố vấn Tổng Giám đốc Tập đoàn ROSATOM, nói. 

Phía Nga sẽ cung cấp cho Việt Nam nhà máy điện hạt nhân hiện đại nhất với công nghệ lò nước nhẹ cải tiến (loại lò phản ứng thế hệ thứ III và III+). Nga được lựa chọn làm đối tác cung cấp công nghệ cho nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận 1 có tổng công suất lắp đặt khoảng 2.000 MW gồm hai tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 1.000 MW được xây dựng tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. 

(Nguồn: Báo Đất Việt )