Sự cố Fukushima: Chưa chuẩn bị đối phó với sóng thần cường độ lớn
Đó là ý kiến của nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học Nhật Bản tại Hội thảo Quan hệ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Hiệp hội giao lưu đào tạo quốc tế Nhật Bản (ACT) tổ chức ngày 6/2 tại Hà Nội.

Hội thảo thu hút khoảng 30 nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học về các lĩnh vực điện hạt nhân, môi trường, thông tin và giao thông cùng đại diện một số bộ, ban ngành của Việt Nam như Bộ KH&CN, Bộ TN&MT, Bộ TT&TT…

Tòa cảnh hội thảo. (Ảnh: MC)

Các đại biểu đều cho rằng, sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 là một việc hết sức đáng tiếc cho nền điện hạt nhân của Nhật Bản nói riêng và điện hạt nhân thế giới nói chung. “Chúng tôi đang nỗ lực điều tra sự cố, khắc phục hậu quả, nghiên cứu các giải pháp an toàn và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thật sự an toàn trong tương lai” ông Fujii Toshihiko, Cục Phó cục năng lượng, bộ Kinh tế và công nghiệp (Nhật Bản) khẳng định.

GS Hirose Kenkichi, Trung tâm giáo dục Quốc tế (Đại học Tokai) cho rằng một trong những nguyên nhân gây ra sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima là Nhật bản chưa có sự chuẩn bị về các biện pháp thích hợp đối với sóng thần có cường độ lớn, chưa tính tới sự đa dạng hóa về nguồn điện đối với các sự cố bởi nguyên nhân do tác động từ bên ngoài và trong các vụ nổ lớn như nhà máy Fukushima đều có phát sinh khí hydro nhưng lại không có các biện pháp chống nổ khí hydro trong tòa nhà lò phản ứng.

 “Đây là những bài học được rút ra từ sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Muốn phát triển điện hạt nhân, chúng ta phải xây dựng các nhà máy điện hạt nhân an toàn hơn Fukushima” GS Hirose Kenkichi nói.

Theo các nhà khoa học Nhật Bản, cần thiết phải tính toán đến các trận động đất có cường độ lớn hơn, dự tính tần suất lặp lại và độ cao thích hợp của sóng thần có xét tới chu kỳ lặp lại để thiết kế nhà máy điện hạt nhân phù hợp, đảm bảo đạt được mục tiêu về an toàn. 

Theo đó, xây dựng các cửa chắn nước, gia cố đê chắn sóng và bơm nước biển, đa dạng hóa nguồn điện để có thể bảo đảm trong các điều kiện khắc nghiệt vẫn duy trì nguồn điện cấp cho nhà máy trong thời gian dài và tăng cường chính sách chống nổ khí hydro trong tòa nhà lò phản ứng trong trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng.

(Nguồn: Báo Đất Việt )