Bắc Kinh phải thay đổi cách đo ô nhiễm vì sức ép
Chính quyền Bắc Kinh hôm 6/1 đã phải nhượng bộ trước chiến dịch vận động qua mạng Internet rầm rộ trong nước, đòi thay đổi cách thức đo đạc chất lượng không khí ở thủ đô, một trong những đô thị ô nhiễm nhất thế giới.

Bắc Kinh phải thay đổi cách đo ô nhiễm vì sức ép

Thủ đô Trung Quốc hiện tính chất lượng không khí dựa trên các hạt bụi từ 10 micrometer hoặc lớn hơn, được biết tới với tên PM10, và không tính các hạt bụi nhỏ hơn, được giới phân tích nói là gây nguy hại lớn nhất tới sức khỏe con người.

Nhưng năm ngoái, nhà chức trách đã vấp phải sức ép lớn đòi thay đổi hệ thống này, khi họ xếp hạng chất lượng không khí ở Bắc Kinh là chỉ hơi ô nhiễm, bất chấp làn khói bụi dày đặc đã buộc hàng trăm chyến bay bị hủy bỏ, còn người dân đổ xô đi mua khẩu trang.

Giới chức địa phương hiện đã đo đếm các hạt bụi với kích cỡ 2,5 micrometer hoặc bé hơn, gọi là PM2.5, nhưng bộ môi trường Trung Quốc nói rằng các thông tin về môi trường này sẽ không được công bố cho tới năm 2016.

Hôm thứ Sáu, Cục Môi trường Băc Kinh nói rằng họ sẽ cung cấp thông tin cập nhật hàng giờ về hoạt động đo đếm PM2.5 trước Tết Nguyên đán, vốn bắt đầu vào ngày 23/1, nhằm phản ứng với sự tức giận của dư luận.

"Nhà chức trách có kế hoạch công bố dữ liệu giám sát chất lượng không khí sử dụng PM2.5 trước Tết Âm lịch", một quan chức của cục, mang họ Lương, nói với AFP.

"Chính quyền phải cân nhắc những thỉnh cầu của người dân, và đúng là sự giận giữ của các công dân Bắc Kinh thời gian gần đây là yếu tố tác động lớn tới hành động của chúng tôi".

Sự tức giận của dư luận đã tăng thêm do có sự thiếu nhất quán giữa thông tin chính thức, thông tin được đăng tải trên mạng và thông tin do Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh đăng trên mạng xã hội Twitter. Trong đó, người Mỹ đã có những đo đếm mức bụi PM2.5 riêng và thường xuyên ghi nhận mức ô nhiễm nguy hiểm.

Rất nhiều blogger đã ca ngợi vai trò của sứ quán Mỹ trong sự thay đổi của phía Bắc Kinh, dù một số người khác bày tỏ nghi ngờ về việc liệu nhà chức trách thực sự có ý định minh bạch hơn về vấn đề ô nhiễm hay không.

"Xu hướng của ngày hôm nay là chỉ là nhằm đối phó với các vấn đề khi chúng xuất hiện", một người tên Qiong Xiaobing nói trên mạng weibo – tiểu blog lớn nhất Trung Quốc.

"Chúng tôi không quan tâm về dữ liệu hay các thông số, bởi chúng tôi chẳng làm được gì ngay cả khi ô nhiễm đã vượt ngưỡng", một người dùng mạng weibo khác với tên Hebo HB nói.

"Chúng tôi đã sống như thế này trong hàng thập kỷ, chúng tôi chỉ mong ước chính quyền đừng lừa gạt chúng tôi nữa".

Trung Quốc có cộng đồng mạng lớn nhất thế giới, với số lượng người sử dụng internet lên tới nửa tỉ người, tạo nên một thách thức ngày càng tăng cho nhà chức trách.

Nhà chức trách Bắc Kinh hồi tháng trước nói rằng họ đã đạt mục tiêu những ngày "bầu trời xanh" cho năm 2011, với 274 ngày đạt chất lượng không khí "loại 1 hoặc 2" so với 252 ngày hồi năm 2010.

Nhưng tờ China Daily của chính quyền nói rằng nếu PM2.5 được sử dụng làm chuẩn chính ở Trung Quốc, sẽ chỉ 20% các thành phố ở nước này sẽ được xếp hạng là có chất lượng không khí đáng hài lòng, so với 80% hiện nay.

Nhà chức trách Bắc Kinh đã cam kết sẽ thiết lập 500 điểm cho thuê xe đạp dọc theo thành phố trong năm và sẽ mang tới cho người thuê 20.000 chiếc xe đạp để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông. Người ta cũng cân nhắc việc mở các làn đường mới dành cho xe đạp, theoTân Hoa xã.

Thủ đô cũng sẽ mở thêm 4 tuyến đường tàu điện ngầm vào năm 2012, đưa tổng số lên 19 tuyến.

Theo AFP, các tổ chức quốc tế đã liệt Bắc Kinh vào một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, chủ yếu do hoạt động tiêu thụ điện đang tăng lên, với phần lớn nhà máy vẫn vận hành bằng than đá.

Việc hoạt động tiêu thụ than đã tăng gấp đôi trong thập kỷ vừa qua và sự bùng nổ hoạt động buôn bán xe hơi vốn đưa Trung Quốc trở thành thị trưởng xe hơi lớn nhất thế giới, đã có những tác động xấu lên nỗ lực kiểm soát ô nhiễm môi trường trong mấy năm gần đây.

Wang Qiuxia, một chuyên gia ô nhiễm làm việc tại tập đoàn GreenBeagle của Trung Quốc nói rằng các biện pháp mới sẽ làm tăng cường nhận thức về nguy cơ ô nhiễm, nhưng cảnh báo rằng việc làm sạch bầu không khí Bắc Kinh sẽ là tiến trình kéo dài.

"Theo một số đánh giá, sẽ phải mất 20 năm trước khi chúng ta thấy sự cải thiện chất lượng không khí ở Bắc Kinh, trong trường hợp các biện pháp thích hợp được sử dụng", Wang nói.

(Nguồn: Vietnam+ )