| Hồ Laacher tại Đức hình thành trên miệng một siêu núi lửa. Ảnh: AOL. |
Nằm ở độ cao 259 m và có chu vi khoảng 8 km, hồ Laacher (hay còn gọi là Hồ Laach trong tiếng Anh) là một hồ hình thành trên một miệng núi lửa tại bang Rhineland-Platinate, Đức. Núi lửa này cách đoạn sông Rhine tại thành phố Andernach chừng 8 km. Nhiều người có niềm tin rằng núi lửa Hồ Laacher phun trào theo chu kỳ khoảng 10.000 tới 12.000 năm. Lần phun trào mới nhất của nó đã xảy ra từ 12.900 năm trước. Trong lần ấy đất ở trên đỉnh núi lửa sụp xuống dưới và tạo ra hồ. Vì thế một số chuyên gia lo ngại núi lửa Hồ Laacher có thể “tỉnh giấc” bất kỳ lúc nào trong tương lai gần. Bằng chứng mà họ đưa ra là hiện tượng sôi sục của nước trong hồ bởi sự rò rỉ của khí carbon dioxide (CO2). Theo họ, hiện tượng đó cho thấy dung nham ở phía dưới hồ đang sôi sục, Wired đưa tin. Giới chuyên gia nhận định núi lửa Hồ Laacher có kích thước và sức mạnh tương đương núi lửa Pinatubo tại Philippines. Khi Pinatubo hoạt động vào năm 1991, nó trở thành vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong thế kỷ 20. Hồi ấy Pinatubo phun ra 10 tỷ tấn dung nham, 20 tỷ tấn khí sulphur dioxide (SO2), 16 km3 tro bụi. Do tro bụi từ núi lửa cản ánh sáng mặt trời, nhiệt độ trung bình toàn cầu giảm tới 0,5 độ C. Người ta tìm thấy dấu tích phun trào của núi lửa Hồ Laacher từ 12.900 năm trước ở khắp châu Âu. Vì thế một số người lo ngại nếu núi lửa Hồ Laacher phun trào, nó có thể gây nên tình trạng tàn phá trên diện rộng. Hàng triệu người sẽ phải sơ tán và nhiệt độ trái đất sẽ giảm trong một thời gian ngắn do tro núi lửa cản ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, giáo sư Erik Klementi, một nhà nghiên cứu của Đại học Denison tại Mỹ, bác bỏ phán đoán trên. Ông khẳng định hiện tượng khí CO2 thoát lên từ đáy hồ đã diễn ra trong hàng trăm năm nên không đáng lo ngại. Klementi cũng nói thêm rằng, không có bằng chứng nào cho thấy chu kỳ hoạt động của núi lửa Hồ Laacher. Vì thế dư luận không nên tin rằng cứ từ 10.000 tới 12.000 năm nó tỉnh giấc một lần và lần phun trào gần nhất xảy ra cách đây 12.900 năm. |