Người
thuận tay trái luôn là mục tiêu kỳ thị, đàm tiếu, tò mò lẫn sợ hãi
trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, giờ đây giới khoa học đang công nhận tầm
quan trọng về khoa học của việc hiểu được tại sao con người lại thường
xuyên dùng tay này thay vì tay kia cho các hoạt động như viết, cầm nắm,
ăn uống hoặc tung banh. Khuynh hướng chỉ dùng một tay cho hầu hết hoạt
động hằng ngày đã mở ra cơ hội cho phép các chuyên gia khám phá cách
thức não người được lập trình và kết nối.
Từ đó, giới khoa học có thể tìm ra hướng
nghiên cứu những rối loạn liên quan đến phát triển của não bộ, chẳng
hạn như chứng đọc khó, tâm thần phân liệt và hội chứng ADHD (rối loạn
hiếu động thái quá). Đặc biệt, những chứng bệnh này thường xuất hiện ở
những người thuận tay trái.
Có nhiều đồn đãi xung quanh chuyện thuận tay ở người
Kết quả của một cuộc nghiên cứu mới đây
do Đại học Trung Thụy Điển thực hiện cho thấy những người dùng cả hai
tay trong hoạt động hằng ngày và không có tay thuận chính đối mặt với
nguy cơ cao hơn mắc chứng ADHD so với người thuận tay trái.
Số người thuận tay trái chiếm khoảng 10% dân số, theo The Wall Street Journal
dẫn lời ước tính của giới chuyên gia. Trong khi đó, chỉ có khoảng 1%
thuận cả hai tay. Lý do dẫn đến tình trạng một người không thích dùng
tay phải chỉ một phần là do di truyền. Thậm chí ở các cặp sinh đôi đồng
trứng, vốn có 100% tương đồng về gene, cũng không phải luôn cùng thuận
một tay.
Điều tác động quan trọng hơn cả chính là
các yếu tố về môi trường, đặc biệt là stress, khi còn trong giai đoạn
bào thai. Ví dụ, trẻ sinh ra khi mẹ lớn tuổi hoặc có trọng lượng nhẹ vào
lúc chào đời thường có khuynh hướng thuận tay trái. Và những bà mẹ phải
đối mặt với quá nhiều áp lực tâm lý trong thời gian mang thai thường có
thể sinh ra đứa con không thuận tay phải.
Một bài nghiên cứu đăng trên chuyên san Neuropsychologia
vào năm 2009 từng đưa ra ước tính khoảng 25% sự khác biệt về tay thuận
là do gene di truyền. Các nghiên cứu của Đại học Northwestern (Mỹ), Đại
học Aarhus (Đan Mạch) cũng đưa ra nhận định tương tự về sự tương quan
giữa tình trạng của bào thai với khuynh hướng thuận tay sau khi lọt lòng
mẹ.
Trung bình, không có sự cách biệt rõ
ràng về IQ giữa người thuận tay trái và tay phải, bất chấp quan niệm
thông thường của con người. Có một số chứng cứ cho thấy người thuận tay
trái giỏi hơn về khía cạnh suy luận chệch đi, hoặc bắt đầu từ một kiến
thức đã có để phát triển các khái niệm hoàn toàn mới, vốn được xem là
yếu tố của sáng tạo.
Người thuận tay trái chỉ chiếm 10% so với tổng dân số, khoảng 20% số người bị chứng tâm thần phân liệt là người tay trái.
Những mối liên hệ giữa thuận tay trái
với sự đọc khó hoặc ADHD cũng như các rối loạn tâm trạng khác cũng đã
được xác định trong một số nghiên cứu trước đây.
Nguyên nhân của những mối liên hệ này
vẫn chưa được xác định rõ về mặt khoa học. Các chuyên gia nghi ngờ rằng
nó có thể liên quan đến một khái niệm gọi là lý thuyết bán cầu não. Não
có hai phần. Mỗi một nửa thực hiện các chức năng khác nhau, như xử lý
ngôn ngữ chủ yếu thường diễn ra ở bán cầu trái. Ở người thuận tay phải,
não trái đóng vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, khuynh hướng này không thực
sự diễn ra đối với người thuận tay trái.
Khoảng 70% người thuận tay trái lại vẫn
dựa vào bán cầu não trái để đặt các trung tâm xử lý ngôn ngữ, một chức
năng chính của não, theo Metten Somers, chuyên gia về tâm thần học của
Đại học Utrecht (Hà Lan). Số 30% còn lại dựa vào bán cầu não phải hoặc
phân chia đều hoạt động lên cả hai bán cầu, và nhóm này đứng trước nguy
cơ cao gặp các vấn đề về rối loạn tâm thần và phát triển não.