Đầu tư cho KH-CN: Thế nào là đủ?
Nền KH-CN nên phát triển “cân đối”, hay nên phát triển “đồng bộ” giữa các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ...


Cần tăng mức đầu tư tổng chi ngân sách nhà nước và tổng đầu tư xã hội cho KH-CN, ưu tiên phát triển một số ngành công nghệp mũi nhọn, tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa doanh nghiệp với các trường đại học, viện nghiên cứu... Đó là những ý kiến đóng góp được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp cho dự thảo chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020” do Bộ KH-CN tổ chức tại Hà Nội ngày 23/12.

Đầu tư bao nhiêu?

Hội thảo có sự tham gia của trên 40 đại biểu là đại diện đến từ các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, công ty cổ phần, doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực phía Bắc. Dự thảo chiến lược phát triển KH-CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nhận được sự đồng thuận cao từ phía các doanh nghiệp. Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Tuấn, phó trưởng ban KH-CN, Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam nêu ý kiến, với dự thảo trong giai đoạn 2011-2015 duy trì mức đầu tư 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm, nhưng giai đoạn 2016-2020 mức đầu tư này phải là 3% chứ không phải là từ 2,0-2,3% như trong dự thảo. 

Đồng thời, tổng đầu tư xã hội cho KH-CN phải đạt 2% GDP năm 2015 và 2,2-2,3% GDP vào năm 2020. Ông Tuấn lý giải: để đưa Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 thì phải có đầu tư và chỉ có đầu tư mới có thể thực hiện được. Nguồn đầu tư này không đâu khác ngoài nguồn đầu tư từ nhà nước và xã hội. 

Trong dự thảo, Bộ KH-CN cũng đề nghị sửa đổi một số quy định về thuế để doanh nghiệp trích tối thiểu là 10% thu nhập trước thuế hàng năm để đầu tư cho KH-CN. 

Ông Ngô Văn Toàn, trưởng ban KH-CN, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc áp mức tối thiểu 10% thu nhập trước thuế mà doanh nghiệp phải đóng góp cho phát triển KH-CN là khó khả thi. Nếu doanh nghiệp kinh doanh được, cần phải đổi mới thiết bị thì 10% hay 20% doanh thu thậm chí cao hơn thì cũng phải đầu tư, nhưng nếu doanh nghiệp kinh doanh chưa hiệu quả thì việc bỏ ra 10% doanh thu là rất khó. “Theo tôi, Bộ KH-CN nên xem xét lại và chỉ nên quy định ở mức là 3-5% lợi nhuận doanh nghiệp”.

Còn ông Nguyễn Văn Tuấn thì đề nghị, Bộ nên quy định một mức tối đa mà doanh nghiệp phải đóng góp, có thể là 20%, còn đóng góp bao nhiêu thì tùy thuộc vào từng doanh nghiệp,  ông Tuấn thẳng thắn.

Liên quan đến vấn đề này, TS Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ KH-CN cho rằng, nếu quy định mức tối đa thì sẽ xảy ra trường hợp nhiều doanh nghiệp sẽ không nộp hoặc nộp ở  mức thấp nhất nên phải quy định ngưỡng tối thiểu. Còn nếu quy định mức tối đa thì dưới tối đa phải là bao nhiêu, cụ thể thế nào, các doanh nghiệp cần bàn bạc và tiếp tục cho thêm ý kiến.

Công nhân vận hành máy ép khuôn nhựa tại công ty Elentec (Khu Công nghiệp Quang Minh) - Hà Nội

Đầu tư có trọng tâm mới hiệu quả


Theo ông Ngô Văn Toàn, trong mục tiêu tổng quát đến năm 2020, Việt Nam có một nền KH-CN phát triển “cân đối” chứ không nên phát triển “đồng bộ” giữa các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Không đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Tuấn cho rằng hiện việc đầu tư cho KH-CN đã ít lại dàn trải thì không thể đạt hiệu quả cao. Nên chọn một số ngành công nghệ mũi nhọn, trọng tâm có khả năng tạo ra bước đột phá thúc đẩy nền KH-CN phát triển để đầu tư chứ không nên đầu tư để phát triển cân đối, đồng bộ. 

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí cho rằng, sức sáng tạo và đổi mới trong KH-CN Việt Nam hiện nay là rất yếu kém, số bằng sáng chế, số bài báo khoa học quốc tế rất ít so với các nước trong khu vực; khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp còn hạn chế do chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu chứ không phải là xuất khẩu sản phẩm, giá thành còn cao trong khi chất lượng chưa đồng bộ. Cần tăng cường nghiên cứu ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu cơ bản để triển khai vào thực tế. 

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần đẩy mạnh thu hút chất xám từ các nhà khoa học là kiều bào, cần quy định tỷ lệ doanh nghiệp KH-CN trẻ trong tổng số 3000 doanh nghiệp KH-CN được thành lập năm 2015 và 10.000 doanh nghiệp KH-CN được thành lập đến năm 2020. 

Phát biểu tại Hội thảo, đánh giá cao tinh thần đóng góp ý kiến của các đại biểu đại diện cho khối doanh nghiệp. “Bộ KH-CN sẽ tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp để hoàn thiện đề án trước trình Chính phủ phê duyệt”, TS Nghiêm Vũ Khải, Thứ trưởng Bộ KH-CN nói.

Bộ KH-CN sẽ tiếp tục tổ chức hội thảo để lấy ý kiến của các doanh nghiệp khu vực miền Trung và miền Nam.
(Nguồn: Báo Đất Việt )