Chiêu bài trì hoãn trong hội nghị khí hậu
Một số nền kinh tế mới nổi muốn trì hoãn các cuộc đàm phán về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Nam Phi.
Bà Christiana Figueres, thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Ảnh: guardian.co.uk.

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Liên Hợp Quốc bảo trợ khai mạc hôm qua tại thành phố Durban, Nam Phi hôm nay. Đại diện của khoảng 190 nước sẽ tham dự hội nghị trong hai tuần. Họ hy vọng phá vỡ thế bế tắc về cách thức giảm lượng khí CO2 và các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác.

BBC cho biết, cùng với các nước giàu như Mỹ và Nhật Bản, các nước lớn trong nhóm quốc gia đang phát triển như Ấn Độ và Brazil đang muốn trì hoãn các cuộc thương lượng về thỏa thuận cắt giảm khí thải tới tận năm 2015 vì không muốm kìm hãm đà phát triển kinh tế. Trong khi đó Liên minh châu Âu (EU) và các nước dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu muốn khởi động các vòng đàm phán càng sớm càng tốt.

Trước đây các nước đang phát triển luôn phê phán những nước giàu vì không gánh vác trách nhiệm trong nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Nhưng trong hội nghị khí hậu năm nay, giới quan sát nhận định có thể một số đảo quốc nhỏ - đối tượng sẽ hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng – sẽ nêu đích danh và phê phán những quốc gia đang phát triển muốn trì hoãn các vòng đàm phán về thỏa thuận khí hậu.

“Những đảo quốc nhỏ đang kề cận bờ vực của thảm họa và họ không thể tự giải quyết thảm họa ấy”, một đại biểu tham dự hội nghị khí hậu bình luận.

Bà Christiana Figueres, thư ký điều hành Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, nhận định cơ hội phá vỡ bất đồng giữa các nhóm nước trong hội nghị tại Nam Phi là khá lớn bởi nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng tốc độ biến đổi khí hậu đang tăng. Tuần trước Liên Hợp Quốc thông báo nồng độ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã tăng tới mức kỷ lục kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu vào năm 1750. Những số liệu mới nhất từ Tổ chức Khí tượng Thế giới cho thấy, nồng độ khí CO2 trong không khí đã tăng gấp gần 1,4 lần so với 250 năm trước.

(Nguồn: Vnexpress )