|
Việt Nam hợp tác với NASA trong quan trắc và giáo dục |
|
|
Trong khuôn khổ Lễ ký kết Tuyên bố chung về Ý định hợp tác giữa NASA và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, ông Michael F. O’Brien, Phó Giám đốc phụ trách các quan hệ quốc tế và quan hệ liên tổ chức của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA) đã có cuộc trao đổi về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ. |
|
-Xin ông cho biết vai trò của Việt Nam trong mối quan hệ hợp tác với NASA?
-Ông Michael O'Brien: Vai trò của Việt Nam trong quan hệ hợp
tác với NASA mới chỉ bắt đầu. Hôm nay, tôi ký kết Tuyên bố hợp tác với
Viện KH-CN Việt Nam nhằm liệt kê một số lĩnh vực mà hai bên mong muốn
hợp tác.
Về cơ bản, có hai lĩnh vực mà hai bên mong muốn hợp tác là quan trắc
trái đất và giáo dục. NASA đã có quan hệ hợp tác với nhiều nước trên thế
giới vì chúng tôi đang nỗ lực tìm hiểu trái đất như một hệ thống. Điều
đó đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và sự tham gia của các nước nhằm huy động
trình độ chuyên môn, hệ thống cơ sở vật chất, các mạng lưới mặt đất đặt
tại Việt Nam, sự tham gia của các nhà khoa học vào lĩnh vực nghiên cứu
giúp hiểu được các hiện tượng toàn cầu, như hiện tượng trái đất ấm lên,
cũng như nhiều hiện tượng khác. Chúng tôi tin tưởng rằng mối quan hệ này
sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.
- Việt Nam có thể đóng góp như thế nào cho lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ?
- Tôi xin đưa ra một ví dụ. Việt Nam có thể tham gia vào công tác quang
kế - đo ánh sáng mặt trời và thành phần của các hạt trong bầu khí quyển.
Những dữ liệu thu được sẽ được đưa vào hệ thống dữ liệu toàn cầu mà các
nhà khoa học có thể sử dụng để phục vụ nghiên cứu của mình hoặc để so
sánh với dữ liệu do vệ tinh chụp được từ trên cao. Đôi khi việc kiểm tra
dữ liệu do các vệ tinh cung cấp cần phải được kiểm tra xem có chính xác
hay không.
Cách duy nhất để kiểm tra là tiến hành đo lường trên mặt đất. Đó là một ví dụ về quang kế mà NASA có thể hợp tác với Việt Nam.
- Ngoài lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ, NASA cũng rất
chú trọng tới vấn đề phổ biến kiến thức cho cộng đồng. Tuyên bố hợp tác
giữa NASA và Viện KH-CN Việt Nam cũng bao gồm hoạt động giáo dục. Xin
ông cho biết cụ thể về chương trình hợp tác giáo dục vì môi trường
(Global Learning and Observation to Benefit the Environment – GLOBE)?
- Đây là một chương trình rất thú vị, được thực hiện hoàn toàn qua
internet. Chúng tôi có thỏa thuận hợp tác với hơn 100 quốc gia trên thế
giới. Ở mỗi nước, cơ quan giáo dục triển khai ở từng trường học thuộc
các cấp, từ tiểu học tới trung học, để mỗi sinh viên từ khi còn rất nhỏ
có nhiều cách để thực hiện những đo lường thực tế, ví dụ đo lường nhiệt
độ, độ ẩm, mức độ mây che phủ, dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Những số liệu này sẽ được đưa vào kho dữ liệu trực tuyến, và sẽ được các
nhà khoa học khắp thế giới sử dụng. Nhờ đó, học sinh, sinh viên có thể
học hỏi qua từng dự án cụ thể, cũng như có thể so sánh với dữ liệu do
những học sinh, sinh viên khác trên thế giới thực hiện. Đây là một dự án
giáo dục tuyệt vời vì nó giúp kích thích niềm đam mê KH-CN ở giới trẻ.
Khi lớn lên, họ sẽ có những kiến thức cơ bản và niềm đam mê yêu thích về
toán học, đo lường, để từ đó lựa chọn những môn học phù hợp khi vào đại
học.
- Nghiên cứu vũ trụ là lĩnh vực rộng, nhưng cũng có thể áp dụng vào
nhiều lĩnh vực của đời sống hàng ngày. Xin ông cho biết một vài ứng dụng
cụ thể?
- Ở Mỹ, hiện tại chúng tôi có 15 vệ tinh đang bay quanh quỹ đạo thấp của
trái đất để thực hiện nhiệm vụ quan trắc. Những vệ tinh này tiến hành
đo lường rất nhiều đặc điểm về đất, nước, không khí và các quá trình
liên quan. Chúng tôi có thể chụp ảnh từ trên cao để biết điều gì đang
xảy ra dưới mặt đất.
TS Lê Huy Minh, Phó viện trưởng
viện Vật lý địa cầu hướng dẩn đoàn NASA thăm Trung tâm báo tin động đất
và cảnh báo sóng thần (Ảnh: Minh Cường)
Chúng tôi có thể biết tình hình lũ lụt, độ cao của mực nước biển, hồ và
những nguy cơ xảy ra thảm họa để cảnh báo trước cho mọi người. Có thể
theo dõi các thảm họa động đất, những vấn đề đe dọa mùa vụ như hạn hán
hay quan sát những thiệt hại do thiên tai gây ra. Những dữ liệu này cần
thiết cho nhiều ngành khác nhau.. Điều quan trọng là phải cung cấp những
dữ liệu đó cho các nhà làm luật của mỗi nước để họ có biện pháp cần
thiết để đối phó với các vấn đề nảy sinh.
- Xin cảm ơn ông!
Ngày 5/12, tại Viện KH-CN Việt
Nam, đã diễn ra lễ kí kết giữa Viện KH-CN Việt Nam với Cơ quan Hàng
không không gian Hoa Kỳ (The National Aeronautics and Space
Administration - NASA). Đoàn NASA do ông Michael F.O’Brien, Phó giám đốc
phụ trách các quan hệ quốc tế và quan hệ liên tổ chức của NASA dẩn đầu.
Nội dung kí kết bao gồm những vấn đề như: Quản lý thiên tai và an ninh
lương thực; trao đổi dữ liệu vệ tinh quan sát trái đất; hoạt động giáo
dục môi trường; phát triển nguồn nhân lực trong một số lĩnh vực nghiên
cứu không gian...
|
|
|
|
|
|
|
|