Phát hiện thành phố thời trung cổ
Các nhà khoa học Anh đã phát hiện ra thành phố thời trung cổ trên hoang mạc Sahara, phía tây nam Libya.
Ảnh từ vệ tinh. Màu đen thể hiện khu vực công sự, màu đỏ là nhà ở và xanh là ốc đảo. Ảnh: Google.

Bằng việc sử dụng bức ảnh từ vệ tinh, các nhà khoa học đại học Leicester, Anh, đã phát hiện ra hơn 100 trang trại và làng mạc kiên cố có cấu trúc gần giống như lâu đài và một số thị trấn được xây dựng từ năm thứ 1 đến năm thứ 500 sau công nguyên.

Thành phố này được xây dựng từ thời văn minh cổ xưa Garamantes, có lối sống và nền văn hóa tiên tiến.

Nhóm nghiên cứu thấy viên gạch bùn còn lại của khu phức hợp giống như lâu đài với những bức tường cao gần 4m. Nhóm còn thấy dấu vết của nhà cửa, nghĩa trang, giếng nước và hệ thống tưới tiêu phức tạp. Điều này cho thấy thành phố này mất đi có trước khi người Hồi giáo xuất hiện.

"Theo hình ảnh vệ tinh, khu phức hợp này nằm trong vùng rộng lớn, ở khu vực khắc nghiệt nhất của sa mạc. Nhưng khí hậu ở đây không thay đổi trong suốt những năm qua. Đây là điều khá đặc biệt", tiến sĩ Martin Sterry, thành viên nhóm nghiên cứu nói.

Giáo sư khảo cổ học David Mattingly, trường đại học Leicester cho biết trên Sciencedaily: "Người dân Garamantes rất văn minh, họ sống trong các khu định cư có quy mô lớn. Thành phố này có thị trấn, làng mạc, ngôn ngữ bằng văn bản và nghệ thuật. Người Garamantes tiên phong trong việc xây dựng ốc đảo và giao thương thương mại trên sa mạc Sahara".

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra di tích trên từ tháng 2, nhưng phải sơ tán khỏi Libya sau khi cuộc nổi dậy chống đại tá Moammar Gadhafi bắt đầu. Họ hy vọng quay trở lại địa điểm này để có thể tiếp tực thực hiện việc nghiên cứu.

(Nguồn: Vnerxpress )