Khóa
đào tạo là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác
kỹ thuật giữa Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam với IAEA về "Phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân” tại Việt Nam.
Các chuyên gia quốc tế đã chia sẻ kinh
nghiệm về những yêu cầu của hệ thống quản lý tích hợp và các khía cạnh
liên quan đến văn hóa an toàn trong quá trình thiết kế, xây dựng và vận
hành thương mại nhà máy điện hạt nhân.
Ông Jeannot P. Boogaard, chuyên gia kỹ
thuật các hệ thống quản lý thuộc IAEA cho biết, thiết lập hệ thống quản
lý tích hợp và văn hóa an toàn cho Chương trình điện hạt nhân tại Việt
Nam là rất quan trọng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam bắt đầu
đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực hạt nhân.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Nga xây dựng. (Ảnh: Tiến Dũng)
Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, cục phó phụ
trách Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên
Việt Nam tiếp cận với hệ thống quản trị tích hợp. Khi áp dụng vào Việt
Nam sẽ giúp gắn kết các vấn đề riêng rẽ từ đào tạo nhân lực cho đến đảm
bảo an toàn, nguồn đầu tư.
Theo IAEA, hệ thống quản lý tích hợp là
hệ thống cung cấp các quy trình quản lý cần thiết để đạt được các mục
tiêu của tổ chức xây dựng và phát triển điện hạt nhân dựa trên các tiêu
chuẩn về an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, tiêu
chuẩn về chất lượng, các yếu tố kinh tế, cũng như trách nhiệm xã hội. Do
đó, hệ thống này yêu cầu nhiều người ở các ban ngành khác nhau cùng
tham gia.
"Hệ thống quản trị tích hợp sẽ vẽ ra
bức tranh người quản lý hạt nhân sẽ có vai trò như thế nào từ sự chỉ
đạo đến các bước thực hiện ra sao", ông Jeannot P. Boogaard nói.
Tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh, khái niệm văn
hóa an toàn thật sự bắt đầu sau sự cố Chernobyl năm 1986, trong số nhiều
yếu tố đóng góp cho nhà máy điện hạt nhân, yếu tố văn hóa an toàn là
một trong những yếu tố quan trọng, thể hiện nhận thức và cam kết về an
toàn từ cấp cao nhất. Đây chính là mầm sống để toàn bộ thành viên trong
tập thể hướng tới mục đích an toàn trong nhà máy điện hạt nhân.
Ông Jeannot P. Boogaard nói thêm: "Thông
thường, ở các tập đoàn lớn, bao giờ nhân viên cũng có cảm giác có
khoảng cách với người lãnh đạo, nhưng nếu thực hiện văn hóa an toàn sẽ
khác. Khi thấy vấn đề không đúng có thể tìm đến thẳng người quản lý để
nói rõ việc này đúng, việc này sai, việc đó phải làm như thế nào".
"Ngược lại, khi mắc sai sót người
chỉ dẫn chỉ nên hướng dẫn lại mà không mắng mỏ hay quy trách nhiệm, đây
là biểu hiện rõ nhất trong văn hóa ăn toàn, người ta còn gọi đó là văn
hóa không đổ lỗi", ông Jeannot P. Boogaard giải thích.
Tại hội thảo, các chuyên gia cùng chia
sẻ về thách thức trong Chương trình điện hạt nhân Việt Nam, trong đó
nhấn mạnh yếu tố xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, xây
dựng hành lang pháp lý.