Mặt Trời sắp "ngủ đông"?
Các nhà khoa học Mỹ cho biết chu kỳ Mặt Trời quen thuộc đang có xu hướng bước sang giai đoạn "ngủ đông", khiến nhiệt độ Trái Đất có thể giảm nhẹ trong thời gian tới.
Các nhà khoa học Mỹ cho biết chu kỳ Mặt Trời quen thuộc đang có xu hướng bước sang giai đoạn "ngủ đông", khiến nhiệt độ Trái Đất có thể giảm nhẹ trong thời gian tới.

Kính viễn vọng của NASA chụp được các tia lửa phun trào mạnh mẽ. Ảnh: Internet

Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học vẫn dự báo Mặt Trời sẽ bước vào thời kỳ hoạt động cực đại vào năm 2012. Khi đó, các tia lửa và vết đen Mặt Trời sẽ hoạt động mạnh mẽ. Chính vì thế, các nhà khoa học đã tỏ ra bối rối khi phát hiện ra Mặt Trời trở nên tĩnh lặng bất thường.
Theo ba nghiên cứu mới được công bố tại hội nghị thường niên của Khoa Vật lý Mặt Trời thuộc Hiệp hội Thiên văn Mỹ, các chuyên gia cho rằng chu kỳ vết đen Mặt Trời quen thuộc có thể sắp chấm dứt và ngôi sao này sắp ở trong trạng thái kém hoạt động nhất kể từ thế kỷ 17. Mặt Trời đã có những dấu hiệu như không còn nhiều tia lửa, các vết đen mờ dần và hoạt động tại các cực giảm đi.
Ông Frank Hill thuộc Phòng thí nghiệm quan trắc Mặt Trời và nghiên cứu sức gió quốc gia Mỹ (NSO) nhận định: "Hiện tượng này hết sức bất thường và ngoài dự đoán". Theo ông Hill, ba nghiên cứu này cho thấy chu kỳ vết đen Mặt Trời có thể đang bước vào giai đoạn "ngủ đông". Thông thường, hoạt động của Mặt Trời có xu hướng tăng hoặc giảm kéo dài mỗi chu kỳ khoảng 11 năm. Điểm cực đại và cực tiểu được đánh dấu bằng sự thay đổi cực từ trường trên Mặt Trời, xảy ra theo chu kỳ 22 năm.
Ông Hill cho biết, chu kỳ 24 hiện tại có thể là chu kỳ bình thường cuối cùng và giới khoa học chưa dự đoán được khi nào sẽ xảy ra chu kỳ lần thứ 25. Dự đoán chu kỳ Mặt Trời là điều hết sức quan trọng vì nó ảnh hưởng lớn tới thời tiết vũ trụ, tác động đến các công nghệ hiện đại và có ảnh hưởng đến tình trạng biến đổi khí hậu.
* Những tác động:
Các chuyên gia đang nghiên cứu xem đây có phải là thời kỳ Maunder Minimum thứ hai hay không. Thời kỳ Maunder Minimum thứ nhất, hay còn gọi là Tiểu Băng hà, kéo dài 70 năm từ năm 1645 tới 1715. Trong thời kỳ đó, nhiều cơn bão Mặt Trời bất thường đã xảy ra, đường tới Greenland bị băng chia cắt, các kênh đào ở Hà Lan thường xuyên bị đóng một lớp băng dày. Các dòng sông băng ở khu vực dãy núi Alps cũng nhấn chìm nhiều làng mạc. Băng trên biển nhiều đến nỗi không có các luồng nước chảy xung quanh Aixơlen trong năm 1695.

Dự báo về hoạt động của vết đen Mặt Trời do NASA đưa ra tháng 6/2011. Ảnh: Internet

Theo ông Hill, nếu đúng là Maunder Minimum thứ hai thì đây sẽ là thời kỳ cực đại cuối cùng của Mặt Trời trong nhiều thập kỷ tới. Theo đó, các tia lửa và những đợt phun trào của Mặt Trời có thể đẩy những cơn gió Mặt Trời mang theo hạt chứa điện tích cao về phía Trái Đất, gây gián đoạn hệ thống liên lạc vệ tinh, định vị toàn cầu GPS cũng như các hệ thống kiểm soát không lưu. Lực từ trường còn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các thiết bị máy móc hiện đại.
Trong trường hợp không xảy ra thời kỳ Maunder Minimum thứ hai thì nhiệt độ Trái Đất sẽ chỉ giảm nhẹ và không đủ sức đảo ngược hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu địa vật lý tháng 3/2010 chỉ ra rằng, thời kỳ Mặt Trời kém hoạt động nhất chỉ có thể khiến nhiệt độ trung bình giảm 0,3 độ C đến năm 2100. Còn thông thường, các chu kỳ Mặt Trời gần đây thường chỉ làm nhiệt độ Trái Đất giảm khoảng 0,1 độ C.
Georg Feulner và Stefan Rahmstorf, hai tác giả của nghiên cứu trên khẳng định: "Thời kỳ Mặt Trời hoạt động kém nhất cũng không thể đảo ngược hoàn toàn hiện tượng Trái Đất ấm lên do khí thải nhà kính con người tạo ra".

(Nguồn: Quang Minh )