Hacker làm thịt Quỹ Tiền tệ Quốc tế
Chưa kịp hoàn hồn sau scandal cựu Chủ tịch bị bắt vì tội xâm phạm tình dục, IMF đã trở thành cái tên mới nhất gia nhập danh sách "Những mục tiêu hạ sát" của hacker.
Người phát ngôn của Quỹ này, ông David Hawley cho biết IMF đã phát hiện có kẻ tấn công vào hệ thống máy tính, tuy nhiên Quỹ vẫn hoạt động bình thường. Hawley cũng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về vụ việc, như quy mô, bản chất vụ tấn công hay việc IMF có bị lấy cắp mất thông tin nhạy cảm nào hay không (IMF nắm trong tay những thông tin tuyệt mật về các quốc gia đang gặp rắc rối về tài chính).

Dẫn lời một quan chức ẩn danh của IMF, tờ The New York Times cho biết vụ tấn công "rất tinh vi và nghiêm trọng". Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ có đúng IMF chính là đích ngắm của hacker hay không. Đôi khi hacker chỉ dùng các tổ chức này như một "phép thử" để kiểm tra xem mã độc mà chúng viết ra có khả năng phát tán rộng đến mức nào mà thôi.


Việc tấn công các tổ chức tài chính đang là một xu hướng thịnh hành trong giới tội phạm mạng vì những lợi ích to lớn mà chúng có thể kiếm được từ đây. Kỹ thuật "spear phishing", hay tấn công có mục tiêu, của hacker ngày càng hoàn thiện và chúng có thể dễ dàng lừa các nhân viên bên trong một tổ chức nào đó click vào đường link độc, để rồi từ đó hacker có thể dễ dàng truy cập vào hệ thống máy tính nội bộ.


Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân nữa khiến giới bảo mật đặc biệt lo ngại. Làn sóng các vụ tấn công hacker đang leo thang đột biến trong vài tuần trở lại đây, với các mục tiêu hết sức "nổi tiếng", có ảnh hưởng lớn đến xã hội cũng như cộng đồng mạng. Không chỉ nhằm thỏa mãn các mục đích về tài chính, mà hacker còn đang chứng tỏ chúng có thể hành động vì chính trị và thể hiện tuyên ngôn của mình. Ông Dave Jevans, Chủ tịch hãng bảo mật Iron Key nhận định rằng có thể IMF cũng là một nạn nhân của "chủ nghĩa hacker" nói trên.


Mối quan ngại về vụ tấn công nhằm vào IMF lớn đến mức Ngân hàng Thế giới đã xóa bỏ một đường link cho phép hai bên chia sẻ các thông tin không nhạy cảm lắm với nhau. Các quan chức của World Bank gọi đây là "sự cẩn trọng cần thiết", tờ Times cho biết.


Trước vụ việc ở IMF, thế giới đã rúng động trước hàng loạt các vụ tấn công đánh cắp dữ liệu đình đám, với quy mô cực lớn như việc Hacker đã xâm nhập thành công mạng lưới của Sony PlayStation và đánh cắp 100 triệu tài khoản người dùng, đột nhập thành công vào mạng lưới của công ty quốc phòng Lockeed Martin, truy cập cơ sở dữ liệu email khách hàng của một công ty từng thực hiện chiến dịch marketing cho Best Buy và Target.


Chưa hết, Google cũng vừa cáo buộc hacker Trung Quốc tấn công nhiều tài khoản Gmail của các quan chức chính phủ Mỹ. Hệ thống mạng của một đối tác của FBI cũng bị tấn công và mới đây nhất, khoảng 200.000 khách hàng dùng thẻ tín dụng của Citibank tại Bắc Mỹ đã bị hacker "cuỗm mất" tên tuổi, số tài khoản và địa chỉ email.

(Nguồn: vietnamnet )