60% lòng hồ Oroumieh bị biến mất, nhường chỗ cho lớp muối ngày càng kết đặc.
“Đây này, thuyền bị mắc cạn…Không thể di chuyển được nữa”,
Saadat nói và chỉ ra nơi con thuyền nằm chết dí giữa đống muối đang
ngày một trở nên đông cứng và than vãn không hiểu tại sao hồ lại đang
biến mất.
Theo các chuyên gia, hồ dài nổi tiếng
này, nơi cư ngụ của các loài hồng hạc, bồ nông, mòng biển di cư, đang
teo lại tới 60% và có thể biến mất hoàn toàn chỉ trong vài năm nữa. Nguyên nhân là do hạn hán, chính sách tưới tiêu chưa hợp lý, cùng việc xây dựng đập ngăn sông.
Một con thuyền bị mắt cạn trên lòng hồ kết đặc muối.
Chỉ hai năm trước đây, ngoài trồng quả
hạnh và nho, Saadat kiếm sống thêm bằng nghề đưa khách đi du thuyền.
Nhưng khi nước hồ giảm cùng nồng độ mặn tăng, anh thấy phải dừng thuyền
cứ 10 phút một lần để kiểm tra chân vịt và cuối cùng anh phải từ bỏ công
việc thứ hai của mình.
“Du khách sẽ không thích một chuyến đi tẻ ngắt như thế”, anh cho biết và nhấn mạnh họ phải vượt qua hàng trăm mét lòng hồ đầy muối để đi từ cầu tàu ra chỗ để thuyền.
Những gì còn lại của một cầu tàu không còn hoạt động.
Vào tháng 4 vừa qua, giới chức Iran đã
phải ngưng hoạt động ở một cầu tàu gần đó trong vịnh Golmankhaneh, do
thiếu nước trong hồ. Và giờ đây mực nước sâu nhất ở lòng hồ chỉ 2m. Cầu
tàu ở vịnh Sharafkhaneh và Eslami cũng phải đối mặt với tình cảnh tương
tự.
Nước hồ cạn cũng khiến ngành kinh doanh
khách sạn và hoạt động du lịch trong vùng bị ảnh hưởng. Nhiều dự án
khách sạn vẫn giậm chân tại chỗ do giới đầu tư còn đang lưỡng lự.
Ngoài du lịch, hồ với nồng độ muối tăng
cũng đe dọa ngành nông nghiệp trong vùng gần đó, tại tây bắc Iran, do
bão đôi khi mang theo nước muối tới tận các cánh đồng. Nhiều nông dân lo
ngại về tương lai đất đai của họ, vốn từ nhiều thế kỷ nay nổi tiếng
trồng được những loại táo, nho, quả óc chó, quả hạnh, hành, khoai tây
ngon.
“Gió mặn sẽ không chỉ ảnh hưởng tới các khu vực xung quanh mà còn ảnh hưởng tới ngành trồng trọt ở những vùng xa hơn nữa”, Masoud Mohammadian, quan chức nông nghiệp ở vùng phía đông hồ, cách tây bắc thủ đô Tehran 600km cho hay.
Hồi
tháng 4, chính phủ Iran đã công bố nỗ lực 3 bước nhằm cứu hồ, gồm
chương trình trồng mây để tăng lượng mưa trong khu vực, giảm lượng nước
tiêu dùng cho hệ thống tưới tiêu và cung cấp nước cho hồ từ các nguồn
nước ở xa.
Một số chuyên gia cho rằng chương trình
điều khiển thời tiết chỉ là “hành động tượng trưng” của chính phủ. Theo
họ cách tốt nhất là xả thêm nước hiện đang bị các con đập nắm giữ. Lượng
nước bốc hơi đã cao gấp 3 lần lượng nước mưa, đặt các dòng sông có
nghĩa vụ quan trọng để “nuôi” hồ. Theo một chuyên gia, chính phủ phải
cho phép xả 20% lượng nước từ các đập xuống mới có thể cứu được hồ.
Muổi biển kết đặc tại rìa hồ.
Song Mostafa Ghanbari, thư ký ban Xã hội
cứu hồ Oroumieh, tin rằng “cách duy nhất để cứu” hồ là chuyển nước từ
biển Caspia vào. Nhưng dự án này được đánh giá là đầy tham vọng, yêu cầu
phải xây dựng đường ống dẫn nước dài khoảng 700km.
Tại thành phố xinh đẹp, xanh tươi
Oroumieh chủ đề về số phận của hồ được dân chúng thường xuyên bàn luận ở
các quán trà và trên phố. Nhiều người vui mừng trước quyết định trồng
mây, với hi vọng tăng lượng nước mưa cho vùng. “Đây là một quyết định đúng. Mỗi đêm tôi nhìn lên đám mây đen đang đến và nói với gia đình rằng sẽ sớm có mưa”, và vào một số đêm, mưa đã đến thật, Masoud Ranjbar, một lái xe taxi cho biết.
Oroumieh là hồ nước mặn lớn thứ ba thế giới
Song ngoài những cuộc tranh luận của
giới chức nhà nước cũng như địa phương, một số người dân ở quanh vùng
lại gợi ý một cách khác để cứu hồ. Truyền thuyết địa phương kể rằng,
loài hoa lay ơn tím dại có một vai trò thần diệu. Loài hoa này được
trồng hàng năm trong suốt một ngàn năm qua ở Oroumieh, nơi một nàng công
chúa của Oroumieh bị giết hại khi nàng cảnh báo mọi người trong thành
phố về kẻ thù đang đến.
Một ngày gần đây, khi chiều tà nhuộm vàng hồ, Kamal, người lái thuyền đã cố gắng tìm kiếm hi vọng ở những bông hoa. “Bạn thấy không, hoa lay ơn tím dại vẫn đang chuẩn bị nở vào mùa xuân. Thành phố và hồ cuối cùng có thể sống”, anh nói.